Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục trẻ khuyết tật tại trường mầm non: Phải có sự hợp tác từ nhiều phía

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết dạy đặc biệt của cô Đặng Thị Tình

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, trên địa bàn quận có 11 đơn vị tiếp nhận giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Riêng bậc mầm non (MN) có 16 trẻ chậm phát triển trí tuệ và 8 trẻ khiếm thị, chậm vận động. Mặc dù công tác giáo dục trẻ khuyết tật đã được quan tâm nhưng thực tế các trường MN vẫn gặp khó khăn.
Tiết học vất vả
Một lần đến Trường MN Hoa Hồng (Gò Vấp), chúng tôi mới thấy hết những điều lạ ở một tiết học dạy trẻ khuyết tật. Không giống như một lớp bình thường, lớp của cô Đặng Thị Tình chỉ có một cháu nằm trong góc hoạt động cá nhân dưới chân cầu thang. Hôm đó bé Minh A. được cô dạy bài “Cá vàng bơi” để làm quen với thế giới động vật dưới nước. Dù đã học lớp Lá nhưng bé Minh A. nói chưa nên câu, phát âm chậm và khó khăn trong giao tiếp vì mắc bệnh tự kỷ. Không những thế tay chân của bé rất yếu, cầm bút tô màu vụng về, đi lại không vững thường phải nhón gót chân lên. Những từ “ngoi lên, đớp mồi” trong bài “Cá vàng bơi” với cô bé thật khó khăn khi cô giáo yêu cầu phát âm. Thế nhưng không nản lòng, không nóng vội cô Tình vẫn nhẫn nại đọc mẫu để cháu nghe theo và nói cho thật rõ.
Ngoài rèn luyện ngôn ngữ, giáo viên còn tập cho cháu phát triển vận động qua các động tác cử động của bàn tay làm động tác bơi của cá vàng trên nền nhạc bài hát “Cá vàng bơi”. Dù đứng hơi xa nhưng chúng tôi thấy mồ hôi đã rịn trên trán cô. Đến hoạt động 3 cô giáo lại gặp thêm khó khăn khi hướng dẫn bé tập tô màu trên bức tranh. Trước đó cô Tình đã cho biết cơ tay của bé Minh A. rất yếu nhất là tay phải. Mỗi lần lên cầu thang một tay cháu bám vào lan can một tay phải nhờ cô đỡ. Khi cô Tình vừa đưa hộp bút ra bé đã dùng tay trái để cầm bút tô màu. Mặc dù giáo viên chuyển sang tay phải nhưng chỉ cầm được một lúc là mỏi nên Minh A. phải chuyển sang tay trái. Thế nhưng cô Tình vẫn kiên nhẫn cầm tay bé hướng dẫn cách ngồi, cách cầm bút và cách tô màu. Khi hoàn thành sản phẩm do mình tạo thành, bé Minh A. mới cảm thấy thích thú và vui vẻ. Niềm vui đó cũng lan tỏa sang cô giáo để xoa dịu bớt nỗi vất vả của người đứng lớp trong một tiết học đặc biệt. Nếu không có sự kiên nhẫn, tình thương yêu đối với những đứa trẻ kém may mắn thì chắc chắn cô Tình sẽ không thành công trong tiết dạy lắm gian nan, nhiều khổ cực này.
Vướng mắc từ phụ huynh
Cô Trần Thị Hoàng Dung – Hiệu trưởng nhà trường phản ánh, từ năm 2003 đến nay Trường MN Hoa Hồng tiếp nhận 5 cháu khuyết tật vào học hòa nhập, đa phần là bị thiểu năng và tự kỷ hành vi vận động. Tuy nhiên khó khăn ban đầu là không có sự hợp tác của phụ huynh do họ không thừa nhận con mình bị bệnh tự kỷ. Bé Trần Thị Minh N. dù đến lớp có những triệu chứng của trẻ tự kỷ như sợ tiếng ồn, nói và ăn không được thế nhưng gia đình bé khẳng định cháu không có bệnh gì cả. Đây chính là nỗi lo của các cô vì khi trẻ vào lớp ít khi vâng lời cô giáo, hơn nữa do thiếu sự chăm sóc riêng nên các cháu sẽ bị thiệt thòi do không phục hồi kịp các chức năng của cơ thể. Một giáo viên Trường MN Họa Mi (Gò Vấp) rất khổ sở vì trong lớp có bé T. đã 6 tuổi nhưng không bao giờ ngồi yên một chỗ, chạy nhảy khắp nơi. Ai làm phật ý là bé ném ly, đập bể màn hình máy vi tính trong lớp. Mặc dù người bố thừa nhận bé rối loạn thần kinh chức năng nhưng người mẹ lại không công nhận “sự thật phũ phàng” đó. Các cô Trường MN Thủy Tiên, Mỹ Sơn, Hoa Quỳnh… cũng rất vất vả với các cháu mắc bệnh tự kỷ trong lớp. Lại có phụ huynh khi biết con mình mắc bệnh có thái độ thái quá không cho trẻ đến trường vội vàng tìm mọi cách để chữa trị cho bé theo kiểu “đốt cháy giai đoạn” dẫn đến những hậu quả khó lường cho trẻ.
Do không phải là những trường chuyên biệt nên đa số giáo viên MN thiếu rất nhiều kiến thức về cách dạy trẻ khuyết tật. Một cô giáo Trường Mỹ Sơn phân trần: “Do trong trường sư phạm không được đào tạo về giáo dục trẻ khuyết tật nên em không biết gì về cách dạy trẻ em tự kỷ, chủ yếu vừa dạy vừa mày mò học hỏi thêm kinh nghiệm”. Theo cô, gần đây Phòng GD-ĐT có tổ chức các chuyên đề nên giáo viên mới có cơ hội trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Bà Bùi Thị Minh Nguyệt – chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp trao đổi: “Gần đây ngành giáo dục đã tổ chức nhiều khóa học phương pháp giáo dục trẻ hòa nhập giúp giáo viên nâng cao kiến thức và có thêm kinh nghiệm đứng lớp. Tuy nhiên muốn cho các cô có thêm thời gian và điều kiện chăm sóc trẻ đặc biệt các trường nên có chủ trương giảm sĩ số và tăng thêm bảo mẫu cho các lớp hòa nhập”. Bà Nguyệt cũng cho biết hiện nay chế độ cho các cô mỗi tháng chỉ có 50 ngàn đồng, nên cần có sự hỗ trợ của phụ huynh để thật tương xứng với công sức vất vả mà các cô bỏ ra trong từng bữa ăn, giấc ngủ của các cháu.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)