Tp.HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc thực hiện các chính sách liên quan đến giáo dục trẻ khuyết tật. Hiện nay đã có 22/24 quận, huyện trên địa bàn TP có trường chuyên biệt, các địa phương còn lại đều thực hiện tốt công tác tổ chức lớp dạy hòa nhập. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất cập xung quanh vấn đề giải quyết phụ cấp cho giáo viên, quy định về việc lên lớp, phân loại mức độ khuyết tật của học sinh…
Giáo dục trẻ khuyết tật cần sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn của xã hội. Ảnh: MAI HẢI
Quy định còn nhiều kẽ hở
Mới đây, tại hội thảo báo cáo kết quả hoạt động “Giám sát việc thực thi các chính sách về công bằng giáo dục” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM Hoàng Trường Giang cho biết, hiện nay một số quận, huyện trên địa bàn TP đang có lộ trình chuyển đổi mô hình hoạt động của trường chuyên biệt thành trung tâm hỗ trợ người khuyết tật. Tuy nhiên các đơn vị hiện đang gặp khó về tuyển dụng giáo viên. Nhiều nơi không tuyển được giáo viên, có nơi tuyển được nhưng khó khăn về giải quyết tiền lương cho nhóm đối tượng này. Mặt khác, do quy định hiện nay giáo viên dạy hòa nhập chỉ được nhận trợ cấp nếu có giấy chứng nhận mức độ khuyết tật của học sinh. Nhưng trên thực tế không phải học sinh nào cũng nộp giấy này khiến giáo viên bị thiệt thòi vì chưa được nhận trợ cấp. Giải thích thêm điều này, ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết, theo quy định trẻ khuyết tật phải có giấy xác nhận mức độ khuyết tật của UBND phường, xã nhưng thực tế nhiều nơi địa phương chưa quan tâm vấn đề này. Có trường hợp phụ huynh phải đi xin giấy chứng nhận khuyết tật ở các đơn vị y tế bên ngoài, dù tốn nhiều tiền nhưng không được chấp nhận do không đúng theo quy định.
Một khía cạnh khác, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè cho biết, năm học qua trên địa bàn huyện xảy ra trường hợp trẻ khuyết tật học hòa nhập từ năm lớp 1 đến hết lớp 3 do có giấy chứng nhận chậm phát triển. Nhưng bước sang hai năm lớp 4 và lớp 5, đơn vị quản lý giáo dục nơi các em đang theo học chứng nhận sức học của em hoàn toàn bình thường, có đủ khả năng theo học chương trình lớp 6 với các bạn đồng trang lứa. “Đứng trước tình cảnh đó, chúng tôi đã quyết định cho những em này rời khỏi môi trường hòa nhập, học lớp 6 chung với các bạn bình thường. Mặc dù biết điều này trái với quy định hiện hành nhưng phòng giáo dục vẫn làm vì quyền lợi của học sinh”, vị này cho biết. Tuy đây là việc làm chưa từng có trong tiền lệ của ngành giáo dục nhưng hành động này ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình của nhiều người bởi tính nhân văn, giải quyết tạm thời kẽ hở của luật giáo dục người khuyết tật hiện tại.
Cần được quan tâm nhiều hơn
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây khi chưa có quy định về việc tổ chức hội đồng giám định trẻ khuyết tật, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 4 cho biết, đích thân lãnh đạo phòng GD-ĐT phải đi thẩm định và duyệt từng hồ sơ trẻ khuyết tật để giải quyết chỗ học cho các em và chế độ phụ cấp cho giáo viên. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết các địa phương đã có hội đồng giám định khuyết tật nên hoạt động giáo dục cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phụ huynh chưa nắm được thông tin, đưa con đến các cơ sở y tế giám định mức độ khuyết tật và phải chịu một khoản chi phí không nhỏ nên gia đình ngại không muốn đi. Còn ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT quận 7, kiến nghị nên có quy định cụ thể những dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật nào học sinh vào học trường chuyên biệt và những dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật nào học sinh được học hòa nhập. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cho phép trường học từ chối tiếp nhận một số dạng khuyết tật nếu biết trước việc giáo dục không thể mang lại hiệu quả.
Qua đó cho thấy, mặc dù chính quyền TPHCM đã dành rất nhiều sự quan tâm cho việc giáo dục nhóm trẻ em đặc biệt này, nhưng thực tế vẫn phát sinh nhiều bất cập. Trong đó, việc giải quyết chỗ học cho các em và chế độ phụ cấp cho giáo viên vẫn là hai vấn đề cần các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa. Đã từng xảy ra trường hợp địa phương chỉ dự trù một khoản kinh phí cố định cho việc giải quyết chế độ phụ cấp cho giáo viên hòa nhập. Nhưng trên thực tế số lượng giáo viên phát sinh nhiều hơn dự kiến khiến phòng GD-ĐT phải khổ sở “xin” thêm trợ cấp cho giáo viên. Nói như chia sẻ của lãnh đạo một phòng GD-ĐT, vấn đề phát triển giáo dục hòa nhập không thể giao hết trách nhiệm cho một mình cơ quan quản lý giáo dục mà cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của địa phương, trong đó cần nhắc tới vai trò của các tổ chức, đoàn thể hoạt động theo hình thức xã hội hóa.
THU TÂM
(SGGP)
Bình luận (0)