Sự kiện giáo dụcTin tức

Giáo dục từ xa: Chất lượng còn thả nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay các doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn hoài nghi và chưa yên tâm về chất lượng giáo dục đào tạo từ xa… Vấn đề này đã được đặt ra tại cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia về giáo dục từ xa (GDTX) lần đầu tiên do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Đại học mở Hà Nội tổ chức.
Theo Bộ GD-ĐT, GDTX đã phát triển hơn 15 năm, có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu học tập cho nhiều người. Tuy nhiên, để bảo đảm và nâng cao chất lượng loại hình đào tạo này trước mắt còn nhiều việc phải làm.
Với chi phí bằng 1/10 so với đào tạo truyền thống, người học chủ động về thời gian, khiến phương thức giáo dục mở và từ xa phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra của phương thức đào tạo này vẫn chưa được xã hội tin tưởng. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD-ĐT), hầu hết học liệu của hình thức đào tạo này do các trường biên soạn chưa phù hợp với công nghệ đào tạo từ xa. Các trường chưa có sự kết hợp với nhau trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và thiết kế học liệu. Mỗi trường làm việc một kiểu dẫn đến chất lượng và hiệu quả thấp; thời gian học trực tiếp mặt giáp mặt còn nhiều. Chưa kể, các cơ sở tiếp nhận chương trình GDTX ở địa phương của một số trường là do cán bộ giáo dục kiêm nhiệm, không có bộ máy chuyên trách, không có cơ sở vật chất ổn định.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mặc dù là đào tạo từ xa nhưng phương thức xét tuyển đầu vào và quy trình thi, kiểm tra, thi tốt nghiệp còn lạc hậu. Chủ yếu kiểm tra theo hình thức tự luận, chưa áp dụng công nghệ kiểm tra, thi, đánh giá theo phương thức trắc nghiệm khách quan. Chính vì thế tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 50-60%. Đặc biệt, phần lớn các trường vẫn sử dụng đội ngũ giáo viên dạy hệ chính quy chưa có nghiệp vụ và phương pháp sư phạm riêng của GDTX làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Hệ thống thư viện từ xa cho người học hầu như không có. Bên cạnh đó, do chạy theo kết quả học tập nên học viên phải bám sát tài liệu ôn tập do giảng viên đảm trách môn học cung cấp. Điều này làm người học mất đi thói quen tìm hiểu, tham khảo nguồn tài liệu ngoài để mở rộng kiến thức.
Từ năm 1994-2009, đã có 17 trường ĐH được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo theo phương thức giáo dục từ xa và 66 trung tâm giáo dục thường xuyên tại 63 tỉnh, thành. Sau 15 năm, đã có 159.947 người tốt nghiệp và hiện còn 232.781 người đang theo học.
Liên quan đến vấn đề kiểm định chất lượng, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết, hiện GDTX vẫn chưa có hệ thống kiểm định chất lượng. Ở Việt Nam không có trường ĐH mở và từ xa thuần túy, các trường ĐH có giáo dục mở và từ xa cũng đồng thời cung cấp giáo dục truyền thống. Vì vậy, hiện nay công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục còn áp dụng chung cho tất cả các hình thức đào tạo ở các trường ĐH.
Hiện Việt Nam có hai trường ĐH được Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ chính đào tạo từ xa là Viện ĐH Mở Hà Nội và Viện ĐH Mở TP.HCM. Nhưng xu hướng hai ĐH này tiến tới ĐH truyền thống còn các trường ĐH truyền thống lại hướng tới đào tạo từ xa.
 
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)