Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục và thế hệ “con cưng”

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống công nghiệp khiến nhiều gia đình ngại sinh con, và thế hệ con một, con cưng ra đời…

Học sinh Trường Tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh) sau giờ học môn tin học (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: Trần Yến

Lớp học toàn… con một

Giáo viên một trường tiểu học tại Q.1 (TP.HCM) cho biết trong lớp cô phụ trách phần nhiều học sinh là… con một. “Được cưng chiều từ trong trứng nước, lên lớp các em thường ích kỷ và bướng bỉnh. Việc rèn các em vào nề nếp không phải là điều đơn giản. Nhiều em là “cậu ấm, cô chiêu” trong gia đình, ai cũng phải chiều. Lên lớp, luôn đòi hỏi các bạn phải phục tùng mình”, giáo viên này chia sẻ.

Trong khi đó, rất nhiều giáo viên khi được hỏi đến vấn đề giáo dục trẻ hiện nay đều than rằng “giờ trẻ khó bảo” quá. “Một phần là cách giáo dục trẻ trong mỗi gia đình. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã học cách được đòi hỏi, được đáp ứng thì lớn lên, trẻ sẽ không biết cho đi mà chỉ biết nhận, không biết nghe lời mà chỉ biết được phục tùng. Khi trẻ đòi gì cha mẹ cũng đáp ứng thì lên lớp, khi không được theo ý mình, trẻ dễ dàng nổi cáu, gây xung đột”, cô Hà Mỹ Thanh Thủy (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tăng Bạt Hổ B, Q.4) nhận định.

Năm nay con trai đã vào học lớp 2 nhưng chị Hà Thị Thu (Q.Thủ Đức) cho biết vợ chồng chị không có nhu cầu sinh thêm con. “Một đứa là đã quá mệt mỏi rồi. Từ chi phí sinh hoạt đến việc nuôi dạy con. Trẻ giờ không như thế hệ mình ngày xưa, chúng tinh quái và đòi hỏi hơn nhiều. Chỉ riêng việc giáo dục con thế nào cũng là vấn đề thường xuyên tranh cãi của hai vợ chồng”, chị Thu cho biết.

Chị Thu cho biết thêm, chị thường xuyên bị cô giáo chủ nhiệm lớp của con gọi điện để than phiền về việc con trai chị hay gây gổ với các bạn trong lớp. “Có lẽ do tâm lý chỉ có một mình cháu nên gia đình chiều chuộng quá. Chỉ cần cháu mè nheo là cha mẹ, ông bà đã đáp ứng ngay. Đến tận bây giờ, khi cháu được 8 tuổi mà vẫn chưa thể tự mình vệ sinh cá nhân được”, chị Thu bộc bạch.

“Dạy như đánh vật!”

Đây là câu cảm thán mà nhiều bậc phụ huynh phải thốt lên khi than thở về những đứa “con vàng, con bạc” của mình. Đánh vật với việc dạy con khi càng lớn trẻ càng tỏ ra ương bướng và không nghe lời.

Nhiều gia đình trẻ loay hoay trong cách dạy con, phải tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia trẻ em. ThS. Lê Khanh (chuyên gia tâm lý học đường) cho biết ông đã từng tiếp nhận rất nhiều cặp vợ chồng trẻ, chiều con đến mức “sợ” con. Con bắt nạt lại cha mẹ, chỉ cần con khóc, con mè nheo là đáp ứng mọi nhu cầu… “Các bậc cha mẹ ngày nay đang quá tải về những phương pháp giáo dục con cái, ngộ nhận về thuật nuôi dạy con. Khi trẻ được nuôi dạy ở nhà là số 1 thì đến trường, trẻ cũng muốn là số 1. Bởi vậy nên mới sinh ra ương bướng, khó bảo”, ông Khanh nói.

“Một đứa trẻ năng động chưa chắc đã là đứa trẻ quậy phá. Một đứa trẻ lì lợm chưa hẳn là đứa trẻ chống đối, không nghe lời. Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ”, ThS. Lê Khanh (chuyên gia tâm lý học đường) nói.

Đặc biệt, theo ông Khanh, khi việc lạm phát quyền lực ở trẻ càng lớn, những đòi hỏi càng tăng lên. Cha mẹ chiều con những thứ thực dụng thì con sẽ phát triển thành một đứa trẻ thực dụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ. “Những đứa trẻ con một lớn lên sẽ thường rơi vào sự cô lập, tự kiêu. Trong môi trường gia đình, trẻ được bảo bọc quá mức, khi ra ngoài xã hội trẻ sẽ lâm vào khủng hoảng, có những phản ứng tiêu cực như tính vô kỷ luật, trầm cảm. Bi kịch lại đến từ việc cha mẹ đầu tư quá nhiều cho con”, ông Khanh phân tích.

Vì vậy, điều cần làm nhất để uốn nắn lại thế hệ “con vàng, con bạc” này, theo ông Khanh chính là việc cho trẻ được quyền tổn thương. “Cho trẻ trải nghiệm sự thất bại ngay cả đau đớn để bản thân trẻ tự rút ra kinh nghiệm. Thay vì nuông chiều, gia đình cần phải cương quyết. Thay vì áp đặt thì quan tâm. Gia đình và nhà trường không nên dán nhãn lên trẻ. Một đứa trẻ năng động chưa chắc đã là đứa trẻ quậy phá. Một đứa trẻ lì lợm chưa hẳn là đứa trẻ chống đối, không nghe lời. Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ”, ông Khanh khuyên.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)