HS đi học bằng xe đạp điện là an toàn nhất. Ảnh: Lữ Đắc Long
|
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên, học sinh (SV-HS) hiện nay đang có những hành vi không tích cực, sự ứng xử thiếu chuẩn mực khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của các bạn mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất mát cho chính bản thân cũng như nhiều người khác. Vì vậy, việc tuyên truyền và giáo dục cho SV-HS về văn hóa giao thông là một việc làm cấp thiết.
Việc giáo dục cho lứa tuổi SV-HS sẽ tạo ra những hiệu ứng và hiệu quả lớn lao bởi họ là thế hệ có khả năng tuyên truyền, tác động việc thực hiện văn hóa giao thông đến các thế hệ khác thông qua nhiều hoạt động mang tính tuổi trẻ, tính cộng đồng, năng động, tích cực…
Giáo dục thái độ khi sử dụng phương tiện giao thông
Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của các gia đình Việt Nam được cải thiện nên việc mua một chiếc xe máy cho con đi học không còn là vấn đề quá khó khăn. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh đã chiều theo ý thích của các “cậu ấm, cô chiêu” trong việc cho con em mình sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi được pháp luật cho phép. Khi các em được người lớn cho sở hữu xe máy thì phần lớn đều rất thích và tự hào hơn so với các bạn không có xe. Một đặc điểm tâm lý dễ bắt gặp ở các em là tính thích thể hiện, “khoe của” ở lứa tuổi này rất cao. Không ít em hay đòi bố mẹ mua cho mình những loại xe đắt tiền, càng “độc” càng thích thú. Ngược lại, nếu không được bố mẹ mua cho xe sang, các em phản ứng mãnh liệt, thậm chí có em còn dọa nghỉ học, bỏ nhà ra đi… Không quá hiếm những trường hợp các bậc phụ huynh đã chấp nhận “yêu sách” của con mình. Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị M., ở Thủ Đức – TP.HCM. Con gái lớn của chị vừa bước vào lớp 10, trường học xa nhà nên chị không thể nào sắp xếp thời gian đưa con đi học được. Vừa vào năm học mới chị đã tính chuyện mua xe gì cho con đi học. Khi chị hàng xóm góp ý mua xe đạp điện cho con, con gái chị biết được đã phản ứng dữ dội: “Bạn bè con đứa nào cũng đi xe máy, con mà đi xe đạp điện thì quê lắm. Thà mẹ đưa con đi học còn hơn”. Thế là kế hoạch chuyển từ không thành có, từ bại thành thắng của con chị đã diễn ra một cách hết sức nhẹ nhàng, ngoạn mục…
Việc HS đòi cha mẹ mua xe máy đắt tiền thể hiện thái độ chưa được cân nhắc một cách tích cực. Liệu rằng khả năng kinh tế của gia đình mình ra sao, liệu rằng bản thân mình có thực sự điều khiển phương tiện giao thông ấy một cách chuẩn mực và hợp pháp, liệu rằng có sự an toàn cho chính bản thân mình và cho người khác? Khi được hỏi về việc điều khiển xe khi chưa đủ tuổi nếu gặp cảnh sát giao thông thì sẽ bị phạt vi phạm và tạm giữ xe thì nhiều HS có cùng ý kiến: “Chỉ cần mình khoác thêm áo bên ngoài đồng phục thì làm sao các chú cảnh sát giao thông biết được mình là HS. Mà nếu có bị tạm giữ xe thì bố mẹ cũng lên đóng phạt rồi lấy xe về thôi”. Đây không hẳn là thái độ của một vài HS mà của khá nhiều HS. Dường như điều này trở thành một phản ứng tự vệ thường trực dẫu biết rằng không thực sự có thể bảo vệ chính mình một cách hiệu quả. Chính vì thế, việc giáo dục thái độ khi sử dụng phương tiện giao thông cho HS là vô cùng cần thiết.
Giáo dục thái độ khi xảy ra va chạm trên đường
Va chạm trên đường là điều không may xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, mỗi khi va chạm giao thông thường thiếu hẳn tính văn hóa trong xử sự của mọi người. Hành vi dễ nhận thấy nhất của người tham gia giao thông không may xảy ra va chạm trên đường là thiếu sự bình tĩnh, thiếu kiềm chế cảm xúc, các bạn SV-HS có thể văng ra những lời thô tục một cách vô tư giữa nơi công cộng, rồi cãi vã, chửi bới nhau tranh giành phần thắng thua là chuyện thường giữa phố chợ. Tuy nhiên, việc cãi vã nhau chỉ là bước đầu tiên, nếu dùng lời nói không giải quyết được mâu thuẫn của vụ va chạm trên đường thì các bạn lại dùng vũ lực. Lý giải cho sự “hiếu chiến” này, một bạn SV từng “choảng” nhau giải thích: “Ra đường bây giờ mình tỏ vẻ yếu thế một chút là bị bắt nạt ngay, nên cứ phải “máu” hơn thì nó mới sợ?!?”. Một số SV khác lại cho rằng: “Nếu đi một mình thì bỏ qua, chứ mình đi hai, nó đi một là phải… đánh phủ đầu ngay cho nó sợ”. Cái kiểu “anh hùng rơm” như vậy không chỉ dừng lại ở văn hóa ứng xử mà còn nói lên phần nào nhân cách của các bạn trẻ trong văn hóa giao thông.Chính vì thế, rất cần việc giáo dục thái độ cho SV-HS khi xảy ra va chạm trên đường.
Giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho SV-HS, trong đó bao gồm cả văn hóa khi tham gia giao thông thực sự đang là một yêu cầu bức thiết. Xây dựng văn hóa giao thông chính là góp phần giáo dục văn hóa, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN
SV-HS với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực cần có những suy nghĩ đúng đắn, thái độ ứng xử tích cực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. |
Bình luận (0)