Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giáo dục văn hóa giao thông: Tín hiệu vui từ học sinh tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh tiểu học tham gia cuộc thi vẽ tranh về an toàn giao thông. Ảnh: M.N
Học sinh tiểu học được xác định từ 6-11 tuổi. Khi phân tích đặc điểm nhận thức của học sinh tiểu học về văn hóa giao thông, chúng ta cần dựa trên nền tảng đặc điểm chung của lứa tuổi này. Qua quá trình khảo sát việc giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh cấp tiểu học, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tín hiệu vui…
Đặc điểm nhận thức
Có thể thấy rằng, đặc điểm nhận thức của các em trong giai đoạn này là thị giác, thính giác, khướu giác, vị giác, xúc giác đều phát triển và đang trong quá trình hoàn thiện. Lúc này, tư duy của các em mang đậm màu sắc xúc cảm và chiếm ưu thế ở tư duy trực quan sinh động. Các phẩm chất tư duy chuyển dần từ tính cụ thể sang tư duy trừu tượng khái quát. Khả năng khái quát hóa phát triển dần theo lứa tuổi, lớp 4 và 5 bắt đầu biết khái quát hóa lý luận. Trí tưởng tượng của các em cũng đã phát triển phong phú hơn so với lứa tuổi mầm non nhờ bộ não phát triển và vốn kinh nghiệm ngày càng phong phú.
Những năm gần đây, giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh trở thành một nhiệm vụ ưu tiên của ngành giáo dục. Giờ  học về Luật Giao thông được bố trí trong chương trình các cấp học. Nhiều cuộc thi tìm hiểu Luật An toàn giao thông (ATGT) cũng liên tục được ngành giáo dục phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức xã hội tổ chức hàng năm. Khi chứng kiến các em tham gia những cuộc thi, tham gia biểu diễn văn nghệ, người lớn cũng có thể bước đầu lạc quan về một bộ phận học sinh tiểu học có những kiến thức về Luật Giao thông khá chính xác. Nhiều người trầm trồ, giá mà ai cũng hiểu biết như các cháu thì đâu đến nỗi văn hóa giao thông ngày càng xuống cấp, tai nạn giao thông là vấn nạn nghiêm trọng như hiện nay.
Cô dạy cho bé học bài học giao thông/ Lời dạy của cô bao yêu mến ngọt ngào/ Khi lưu thông trên đường phải luôn đi lề bên phải/ Bé luôn nhớ đừng quên để lưu thông an toàn/ Cô dạy cho bé học bài học giao thông/ Lời dạy của cô bao yêu mến dịu dàng/ Khi lưu thông trên đường không nô đùa, chơi giỡn/ Bé luôn nhớ đừng quên để lưu thông an toàn… (lời ca khúc Cô dạy bài học giao thông của nhạc sĩ Lâm Trọng Tường).
Câu từ gần gũi, lời bài hát này nhẹ nhàng, dễ thuộc. Cứ thế bài học về ATGT đi vào nhận thức và hành vi ứng xử của các em học sinh tiểu học một cách tự nhiên và hiệu quả. Bằng chứng là nhiều em khi chỉ mới học lớp 3 nhưng đã nhận thức được rằng: “Nhân Tháng ATGT, em xin hát để tuyên truyền ý thức cho mọi người chấp hành Luật Giao thông”. Như trường hợp của em Huỳnh Lê Cát Tường (Trường Tiểu học An Lạc 3 – quận Bình Tân, TP.HCM) từng thuộc rất nhiều bài hát về ATGT, không những thế, em còn thích tham gia các cuộc thi hùng biện về ATGT. Sở thích này từng mang về cho em giải nhất cá nhân cuộc thi về ATGT do Sở GD-ĐT TP.HCM và Công ty Honda phối hợp tổ chức. Có chứng kiến cảnh các em học sinh tham gia biểu diễn văn nghệ, nghe các em hát, nhìn các em vẽ, nghe các em thuyết trình về ATGT mới thấy hết ý nghĩa của việc dạy và tuyên truyền về ATGT cho các em nhỏ.
Những cách dạy cần nhân rộng
Có thể nói, để các em học sinh tiểu học cảm nhận những bài giảng về ATGT một cách hiệu quả chính là nhờ vào công đầu tư, sự sáng tạo và linh hoạt trong từng tiết dạy của đội ngũ giáo viên. Bằng nhiều hình thức dạy khác nhau, các thầy cô giáo đã biến môn học khô cứng này trở nên nhẹ nhàng, giúp các em tiếp thu bài học một cách tốt nhất. Trường Tiểu học Điện Biên – quận 10 đã có một cách giáo dục ATGT cho học sinh rất độc đáo. Nhà trường đã liên hệ với Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để học sinh đến thăm và tận mắt nhìn thấy những nạn nhân của tai nạn giao thông, đồng thời liên hệ với công an phường hướng dẫn học sinh chia thành từng nhóm ghi lại các hình ảnh tốt và xấu trong giao thông tại một số giao lộ, trên đường phố trong địa bàn phường. Sau khi đi thực tế tại các bệnh viện, ngoài đường, các em đã ghi lại trong sổ nhật ký ATGT của mình. Nhiều trường, giáo viên còn tổ chức các cuộc thi sáng tác hò, vè về chủ đề giao thông để các em tham gia. Ngoài ra, giáo viên còn áp dụng cả công nghệ thông tin vào việc giảng dạy, cho các em xem video clip về giao thông, rồi cho các em đi thực tế tại các trục giao thông, để các em phân tích hành vi đúng – sai của người điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, sinh động của thầy cô, các em tiếp thu bài rất nhanh đồng thời áp dụng được khi tham gia giao thông cùng bố mẹ.
Như vậy, dễ dàng nhận thấy với học sinh tiểu học, việc hướng các em đến văn hóa giao thông bằng những hình thức mang tính chuẩn mực giản đơn nhưng cần sự cụ thể và rõ ràng.
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN 
Một nhóm học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh – quận Gò Vấp chia sẻ: “Khi thầy cô giảng dạy hoặc cho chúng em tham gia các trò chơi, văn nghệ, thuyết trình về ATGT càng làm tăng sự hiểu biết cũng như nhận thức của chúng em về lĩnh vực này”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)