Vừa học văn hóa vừa học nghề giúp học viên GDTX có cơ hội nhận cùng lúc bằng tốt nghiệp THPT và TCCN. Theo đó, các em có thể tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp thay vì phải tiếp tục mất một khoảng thời gian học nghề.
Một tiết dạy học tại Trung tâm GDTX Q.Tân Phú |
Sớm tự lập cuộc sống
Trung tâm GDTX Q.6 (TP.HCM) hiện có 725 học viên, trong đó 160 em buổi sáng học nghề cơ điện lạnh, điện tử, sửa chữa ô tô, thiết kế đồ họa tại Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, buổi chiều học văn hóa tại trung tâm. Cô Đặng Ngọc Thu (Giám đốc trung tâm) chia sẻ: “160 học viên này sau 3 năm học sẽ có trong tay 2 tấm bằng tốt nghiệp THPT và nghề. Đây là cơ hội để các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động mà không mất thêm một khoảng thời gian tiếp tục học nghề hoặc có thể đăng ký xét tuyển vào CĐ, ĐH. Việc liên kết dạy văn hóa gắn với đào tạo nghề nghiệp phù hợp với học sinh tốt nghiệp THCS có học lực trung bình và cả những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng học lên cao”.
Theo cô Thu, quá trình học song song văn hóa và nghề giúp tư duy, tính cách học viên chững chạc hơn, sớm tự lập cuộc sống và có trách nhiệm với bản thân. Hình thức liên kết đào tạo này được trung tâm thực hiện từ năm học 2014-2015. Học nghề chủ yếu thực hành nên học viên không gặp nhiều khó khăn trong việc học văn hóa, nhìn chung các em vẫn đảm bảo được kiến thức tối thiểu.
So với Trung tâm GDTX Q.6, số học viên tại Trung tâm GDTX Q.Tân Phú đăng ký học văn hóa song song học nghề không nhiều, khoảng 20/1.600 học viên mỗi năm. Tuy nhiên, Ban Giám đốc trung tâm cũng đánh giá cao về cách đào tạo này. Cô Lê Thị Trúc (Phó Giám đốc trung tâm) cho biết: “Học viên của trung tâm đang học nghề dược tại Trường TC Dược Vạn Hạnh. Các em xác định sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm ngay và không lo thất nghiệp vì tay nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của nhiều công ty, doanh nghiệp. Đã có những em thành đạt, thu nhập cao bởi quá trình đi làm sớm còn tạo cơ hội cho các em tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề”.
Cô Trúc cho biết thêm, các học viên theo học đều có năng lực, cố gắng. Khi thực hiện liên kết này, trung tâm linh động sắp xếp thời khóa biểu chéo nhau để các em không gặp khó khăn, vẫn đảm bảo được chương trình hai phía.
Tại TP.HCM, ngoài hai trung tâm GDTX trên còn có một số trung tâm thực hiện tốt hình thức này như Trung tâm GDTX Q.Tân Bình, Trung tâm GDTX Q.Gò Vấp…
Phụ huynh chưa mặn mà
Một lợi thế khác của học viên khi tham gia học song song văn hóa và nghề đó là không phải đóng phí học nghề. Tuy nhiên, qua chia sẻ của lãnh đạo các trung tâm, việc triển khai thực hiện, thu hút học viên vẫn còn những khó khăn nhất định.
Cô Lê Thị Trúc cho hay: “Xuất phát từ mong muốn con em lấy bằng tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào CĐ, ĐH của phụ huynh khiến số lượng học viên tham gia rất ít. Thậm chí một số trường TC còn giới thiệu việc làm cho các em sau khi ra trường nhưng vẫn khó thay đổi suy nghĩ của phụ huynh. Trong số 20 học viên của Trung tâm GDTX Q.Tân Phú đang học nghề thì phần lớn đến từ các tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn”.
“Việc liên kết trong dạy văn hóa gắn với đào tạo nghề nghiệp phù hợp với học sinh tốt nghiệp THCS có học lực trung bình và cả những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng học lên cao”, cô Đặng Ngọc Thu (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.6) nói. |
Thống kê gần đây của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, khoảng 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vì trình độ được đào tạo không sát với nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội. Từ đó, cô Trúc cho rằng, tư tưởng bắt con em vào CĐ, ĐH của phụ huynh nên thay đổi. Ngay bản thân học viên đã có nhiều em thay đổi cách nhìn, nhận thấy được lợi ích của việc học văn hóa song song với học nghề.
Liên quan đến vấn đề này, cô Đặng Ngọc Thu cũng chia sẻ, để thu hút học viên theo học, khâu phân luồng, hướng nghiệp phải sâu sát đến phụ huynh và học sinh. Thời gian đầu trung tâm thực hiện có phần khó khăn, nhưng về sau có sự thuận lợi hơn; tuy nhiên những người làm giáo dục vẫn mong muốn phụ huynh nên xem xét năng lực của con em như thế nào để có sự định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn. Không nên ép con em phải vào bằng được CĐ, ĐH vì vô tình tạo thêm gánh nặng trong giải quyết việc làm cho xã hội.
Ở góc độ khác, cô Trần Thị Huyền (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.12) thừa nhận: “Cơ sở vật chất các trung tâm chưa đảm bảo, thiếu phòng học bộ môn để dạy thực hành nên các học viên muốn học nghề phải di chuyển sang trường TC, dĩ nhiên không tránh được khó khăn. Và một vấn đề không thể bỏ qua, nếu thực hiện đào tạo song song, ngay từ ban đầu chúng ta phải chăm chút trong đào tạo nghề, tránh trường hợp các em học nửa vời. Đồng thời chú trọng định hướng học sinh chọn ngành nghề đúng sở trường, đam mê, giúp phát huy năng lực chuyên môn khi học và đi làm”.
Tại Trung tâm GDTX Q.12, mỗi năm có trên 50% học viên tốt nghiệp vào CĐ, ĐH; 30-45% vào TC và 10% ở nhà (trung tâm có khoảng 1.600 học viên). Cô Huyền cho biết: “Với tỷ lệ này, nếu liên kết đào tạo song song thì tạo nhiều cơ hội tốt cho học viên. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện nên trung tâm mới chỉ đẩy mạnh hướng các em vào trường nghề, TC để học”.
Bài, ảnh: N.Trinh
Bình luận (0)