Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục văn hóa ứng xử cho phạm nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Tạo môi trường giàu tính nhân ái nơi giam giữ là giúp phạm nhân hướng thiện một cách thiết thực.
“Giáo dục cho con người ngoài xã hội ứng xử có văn hóa đã khó, giáo dục cho phạm nhân ứng xử có văn hóa càng khó hơn”. Đó là khẳng định của Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức (Z30D), người đã khởi xướng hội thi “Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong phạm nhân”.
Con người có nhân cách tốt
Ngày 19-5, có mặt tại Z30D để chứng kiến gần 500 phạm nhân tập trung dưới hội trường cổ vũ cho 16 thí sinh tranh tài ở hội thi đặc biệt này, chúng tôi mới cảm nhận được khát khao hướng thiện của những con người đã từng một thời lầm lỡ. Trong 16 bài thi thuyết trình thì có 12 bài các thí sinh chọn chủ đề lòng nhân ái, tình người để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.
Phạm nhân Đoàn Hồng Khanh (quê Hà Nội, đang thụ án 11 năm tù) trong bài thuyết trình của mình đã bày tỏ mong muốn toàn thể anh chị em phạm nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái, động viên, khích lệ nhau trong cuộc sống và lao động để sớm có ngày về đoàn tụ với gia đình.
Đại tá Trần Hữu Thông nhấn mạnh: “Nếu các anh chị em ngồi đây mà ứng xử có văn hóa thì chắc chắn không phải nhận kết cục như hôm nay”. Ông cho biết thêm: “Chúng ta có thể tổ chức cho cán bộ, nhân viên ứng xử có văn hóa thì không cớ gì không tổ chức cho phạm nhân”. Theo Đại tá Thông, nếu không tập trung giáo dục văn hóa, bao gồm cả kiến thức lẫn văn hóa ứng xử cho phạm nhân thì khi họ mãn hạn tù, trở về xã hội vẫn là một con người khiếm khuyết về nhân cách, trong khi đó mục đích của cải tạo giam giữ là giáo dục để trả về cho xã hội một con người có văn hóa, có nhân cách tốt.

Quang cảnh hội thi “Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong phạm nhân” tại Trại giam Thủ Đức. Ảnh: DĐ
“Không có gì cao cả hơn tình người”
Đó là câu khẩu hiệu được đặt ngay cổng vào Trại giam Thủ Đức. Thiếu tá Vũ Hồng Kiên, Đội phó Đội Tổng hợp giáo dục, nói: “Muốn giáo dục phạm nhân, trước hết chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường giàu tình thương yêu, nhân ái”. Khi nhập trại Z30D, phạm nhân được đưa đi khám bệnh và sau đó là một tuần để học giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống.
Phạm nhân Vũ Nguyễn Trường Hải (ngụ TP.HCM) tâm sự với chúng tôi, anh và một phạm nhân tên Đồng cùng cải tạo ở đội 1, một hôm cả hai được phân công đẩy xe mì xay đi phơi, cả hai thấm mệt dưới trời nóng bức, thay vì hỗ trợ khuyên nhủ nhau cố gắng để hoàn thành công việc được giao thì hai anh lại ganh tỵ, mặt nặng mặt nhẹ với nhau. Lời qua tiếng lại một lúc, cả hai lao vào đánh nhau, đến khi các phạm nhân trong đội tự quản vào can ngăn thì máu đã chảy trên mí mắt Đồng. Đăng ký tham gia hội thi “Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong phạm nhân” và nghe nhiều phạm nhân trình bày về lòng thương yêu, đức tính kiên nhẫn, Hải cảm thấy hối hận vì nóng nảy, thiếu kiềm chế.
Phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Băng (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) tâm sự chị xem cán bộ quản giáo như là thầy cô giáo của mình vì chị cảm nhậnđây là ngôi trường của chị, ngoài học chữ, học nghề, chị còn được rèn luyện để trở thành một người có nhân cách.
Đại tá Thông chia sẻ rằng tạo ra môi trường giàu tính nhân ái là yếu tố cực kỳ quan trọng trong công tác giáo dục phạm nhân, giúp phạm nhân hướng thiện một cách thiết thực nhất. Bởi vì trại giam không chỉ đơn thuần là nơi trừng phạt những người phạm tội mà đây là nơi cảm hóa, giáo dục để biến những tội phạm thành những công dân có ích cho xã hội.
“Z30D chú trọng dạy nghề cho phạm nhân, thông qua đó giúp phạm nhân hiểu được giá trị của lao động và quan trọng hơn họ có một cái nghề trong tay làm hành trang hòa nhập cộng đồng, bớt nguy cơ tái phạm. Hầu hết phạm nhân ở đây được bố trí lao động sản xuất theo khả năng của mỗi người. Trong đó, phạm nhân được hưởng 26 % thành quả của họ trong quá trình tham gia sản xuất, số tiền này được lưu vào sổ lưu ký và được nhận khi ra trại” – Đại tá Thông cho biết thêm.
DUY ĐÔNG (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)