Hội nhậpGiáo dục phát triển

Giáo dục Việt Nam: Tầm nhìn 2020!

Tạp Chí Giáo Dục

Đội ngũ nhà giáo là nền móng để giáo dục phát triển. Ảnh: Tuấn Phong

Đất nước đã vào xuân. Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã tiến những bước dài trên con đường phát triển. Lần đầu tiên tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên đầu người vượt ngưỡng 1000 USD/năm. Việt Nam gia nhập WTO, tự loại ra khỏi danh sách các nước nghèo và khẳng định vị thế quan trọng của mình trên trường quốc tế.

Song hành cùng những bước tiến của cả dân tộc, ngành giáo dục đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao. Quy mô và mạng lưới của các cơ sở giáo dục được phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của toàn xã hội. Chất lượng đào tạo đã có những chuyển biến ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo, công tác xã hội hoá giáo dục phát triển thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người dân. Công tác phổ cập giáo dục ở tiểu học và THCS đã có những bước tiến dài góp phần giảm tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi trên cả nước. Công bằng xã hội trong ngành giáo dục được cải thiện thông qua các chương trình hỗ trợ, cho vay vốn đối với học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em bị khuyết tật. Đặc biệt, những cuộc vận động như "hai không", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã thực sự thổi một luồng gió mới vào đời sống giáo dục ở nước ta, tạo đà cho sự thay đổi về chất của toàn bộ hệ thống giáo dục. Theo lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân thì các cuộc vận động này nhằm "thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng: trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả". Và thực tế, kết quả của các kỳ thi đã chứng minh một cách sinh động rằng chúng ta đang học thật, thi thật. Những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nhờ những thành tựu của giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác mà chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta theo bảng xếp loại của Chương trình phát triển Liên hợp quốc trong những năm gần đây có những tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì hệ thống giáo dục của ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập. Hệ thống giáo dục hiện nay thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và các trình độ đào tạo. Chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp học còn thấp, chương trình giáo dục, nhất là giáo dục ở bậc đại học còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu của giáo dục và đào tạo. Đội ngũ nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục còn thiếu quy hoạch tổng thể. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học còn quá ít. Chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm chưa cao dẫn đến trình độ của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên chưa thoả đáng, chưa tạo được động lực để mỗi người thầy phấn đấu vươn lên dẫn đến không ít người không an tâm công tác, thậm chí bỏ nghề. Những năm gần đây, bằng hỗ trợ của các nguồn vốn đầu tư, cơ sở vật chất của ngành giáo dục được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được quy mô phát triển của giáo dục nước nhà.

Trong bối cảnh hội nhập toàn diện, Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, có điều kiện thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế đã đặt ra trước mắt chúng ta bao thử thách hết sức cam go. Toàn cầu hoá có thể làm khoảng cách về kinh tế và tri thức giữa Việt Nam và các nước khác bị gia tăng, chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao bởi nạn chảy máu chất xám. Mặc dù nước ta đang ở giai đoạn "dân số vàng" (khoảng trên 60% đang ở tuổi lao động) nhưng trình độ của đội ngũ những người lao động còn kém so với các nước trong khu vực khá nhiều và như vậy, khả năng nắm bắt những "cơ hội vàng" của "biển lớn" sẽ hết sức khó khăn. Bùng nổ phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian qua đã tạo áp lực không nhỏ đối với ngành giáo dục. Nếu hệ thống giáo dục thực hiện tốt chức năng chuẩn bị tri thức và nghề nghiệp cho nguồn lực lao động thì nó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

Chính vì thế, giáo dục Việt Nam không còn con đường nào khác là phải "có chiến lược phát triển đúng hướng, hợp quy luật, xu thế và xứng tầm thời đại". Trong bối cảnh ấy, Dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020" lần thứ 14 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra tham khảo ý kiến đóng góp của đông đảo các ban, ngành, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học trên cả nước. Đây là những cố gắng vượt bậc khẳng định ngành GD&ĐT đang quyết tâm cải cách, đổi mới một cách toàn diện nhằm đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của thời đại.

Dựa trên những tổng kết, đánh giá các mặt mạnh yếu của giáo dục nước nhà, Dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2008-2020" đưa ra 11 giải pháp chiến lược, trong đó có hai giải pháp mang tính "đột phá" là Đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Đổi mới quản lý giáo dục chính là cơ cấu lại toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước và phân cấp quản lý đối với địa phương và các cơ sở giáo dục để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn bộ hệ thống giáo dục nhằm tạo nên một cơ chế gọn nhẹ và hiệu quả.

Song song với nhiệm vụ đổi mới quản lý giáo dục, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được coi là giải pháp mang tính bản lề của cải cách giáo dục tầm nhìn 2020. Từ năm 2009, việc xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên được tiến hành thí điểm ở một số trường phổ thông và đại học. Đến năm 2010 đảm bảo 100% giáo viên, giảng viên được tuyển dụng theo cơ chế hợp đồng thay cho biên chế trước đây. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì ngành sẽ sắp xếp giáo viên theo 3 hướng: Nếu giáo viên trẻ nhưng năng lực không đủ đáp ứng, cơ sở giáo dục sẽ cử đi học để nâng cao trình độ; Nếu giáo viên vì lý do gì đó không thể đi học được, ngành sẽ điều chỉnh để họ làm việc khác trong ngành hoặc giáo viên có thể ra khỏi ngành và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước. Có thể nói đây là cuộc "đại phẫu" của ngành giáo dục trước đòi hỏi đáp ứng được những yêu cầu của xã hội. Đau đớn đấy nhưng nó đảm bảo cho một "cơ thể" giáo dục mạnh khoẻ, tràn trề sinh lực để gánh vác trọng trách đào tạo nhân lực cho đất nước. Ngoài ra, hàng loạt các giải pháp khác như: Phát triển chương trình tài liệu giáo dục; Đổi mới phương pháp dạy học, Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; Kiểm định và đánh giá các cơ sở giáo dục; Xã hội hoá giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục; Gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; Hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên; Nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; Xây dựng các trường đại học, dạy nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được Bộ GD&ĐT đưa ra trưng cầu dân ý. Đây là cuộc trưng cầu dân ý được coi là quy mô nhất của năm 2008, nó thu hút sự quan tâm của đông đảo các ban, ngành, các tổ chức xã hội, các nhà khoa học và toàn thể nhân dân. Những góp ý (kể cả phạm vi vĩ mô và vi mô, kể cả những đóng góp đồng thuận lẫn trái chiều) cho bản dự thảo đều được Bộ GD&ĐT đón nhận với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Với lẽ đó chúng ta có quyền hy vọng rằng Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008-2020 sẽ hội tụ đầy đủ tinh hoa tri thức của cả dân tộc, sẽ là "kim chỉ nam" cho mọi hoạt động của nền giáo dục nước nhà.

Giáo dục là quốc sách. Tôn chỉ ấy được đặt ra với bất cứ quốc gia nào trên thế giới này. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và với tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa sống còn. Thực trạng yếu kém cả về nguồn nhân lực chất lượng cao lẫn trình độ của công nhân học nghề đang đặt ra trước ngành giáo dục những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tuy nhiên, đúng như lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong Thư gửi các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh, sinh viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008: "Lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ đi trước. Nhưng dân tộc Việt Nam, dù phải đương đầu với giặc ngoại xâm to lớn, không bao giờ bế tắc. Không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc, nếu mỗi người dân Việt Nam đều dành trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp thiêng liêng này".

GD&TĐ

Bình luận (0)