Hiện nay, Việt Nam là một trong nhiều nước trên thế giới có nguy cơ suy giảm, già hóa dân số. Theo định hướng đến năm 2030, Hà Nội, TP.HCM và những đô thị lớn khác phải phấn đấu giữ/đạt mức sinh tự nhiên 2,1 con/phụ nữ mới đảm bảo nhân lực để phát triển kinh tế xã hội.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại một ngày hội việc làm. Ảnh: T.Tri
Không ít người, đặc biệt đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, có hội chứng lười, ngại yêu, kết hôn, sinh con… Nhà nước lại chưa có giải pháp, chính sách khuyến sinh sát hợp, kịp thời. Thực trạng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là bài học nhãn tiền. Trong hơn 20 năm qua, các nước này đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyến sinh nhưng hầu như không thành công. Nhiều người không khỏi bi quan rằng chúng ta khó mà giữ đà tụt dốc không phanh của cơ cấu dân số, nói gì đến đạt được tỷ lệ lý tưởng như kỳ vọng. Thêm vào đó, nguồn nhân lực trẻ lại đang có nguy cơ “bốc hơi” vì sự cạnh tranh, thu hút của nước ngoài.
Bất lợi “sân” người
Trong gần một thập niên qua, những trung tâm giáo dục như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng…, lượng du học sinh ngày càng tăng. Các tổ chức, trung tâm tư vấn du học mọc lên như nấm. Xu hướng xuất ngoại được nhiều học sinh, phụ huynh ở các trường chuyên, năng khiếu chọn lựa. Không chỉ học sinh, sinh viên, nhiều cử nhân cũng có tâm nguyện học sau ĐH ở nước ngoài. Quan niệm phấn đấu kiểu “nghèo vẫn cố cho con du học” không còn xa lạ. Từ mục đích kinh doanh, nhiều trường ĐH uy tín trên thế giới, cả phương Đông lẫn phương Tây, đều nhắm đến phát triển nguồn nhân lực cho đất nước mình bằng con đường đầu tư giáo dục. Học phí giảm, cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp nhiều, môi trường sống chất lượng, ưu đãi cao… là những lợi thế vô cùng lớn. Kiểu đầu tư hớt ngọn này quá nhanh, quá lợi, và thiệt thòi là chính chúng ta. Tình trạng “một đi không trở về” của du học sinh đã quá bình thường. Năm 2018, nước ta đứng thứ hai trong danh sách du học sinh ở lại Nhật Bản làm việc. Trong khi đó, 17 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học Úc, chỉ 2 người chịu về nước. Theo khảo sát, 100% du học sinh Việt Nam ở Úc đều mong muốn ở lại nước này để làm việc.
Ai cũng biết du học sinh, dù bằng học bổng hay tự túc kinh phí, đa phần là lực lượng ưu tú về cả năng lực lẫn nhân thân. Khi ở lại nước ngoài làm việc, lượng kiều hối do họ gửi về nước không hề nhỏ. Tâm huyết, sức lực của đội ngũ này dành cho quê hương thứ hai của mình hẳn là quá lớn. Sao quê hương thứ nhất – Việt Nam – không may mắn được hưởng?
Lép vế “sân” nhà
Trong nước, tình hình cũng không khả quan là bao. Nhiều sinh viên có kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ tốt… đều ưu tiên chọn các đơn vị, tổ chức nước ngoài để làm việc. Họ không sợ áp lực công việc, chỉ sợ đồng lương không đủ sống, không đủ gầy dựng “một gia đình nhỏ với hạnh phúc to” mà thôi. Chọn những nơi này, có thể trái ngành nghề, nhưng đồng lương xứng đáng với công sức, lại có tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao. Vậy là những đơn vị sử dụng lao động trong nước chỉ còn lại đội ngũ hạng hai, hạng ba… cũng là lẽ thường.
Nhiều tân cử nhân sư phạm, dù được về những trường trọng điểm ở các thành phố lớn, sau một tuần cũng đành bỏ trường. Những đòi hỏi thái quá từ phụ huynh, môi trường làm việc kiểu “ma cũ ép ma mới”, đồng lương thấp… trở thành nguồn lực đẩy họ đến với các trường quốc tế, từ mầm non đến THPT. Đây là những chiếc nôi ươm mầm nhân tài, nhân lực cho… bạn bè bốn phương. Đến 90% phụ huynh có con học các trường này đều ôm mộng cho “cục cưng” đi du học, nếu không đi thì khó mà hòa nhập với nội dung, cách thức dạy học của các trường ĐH Việt Nam.
Đừng để quá muộn
Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự an nguy, suy thịnh của quốc gia. Lâu nay ta có lợi thế của một đất nước với cơ cấu dân số trẻ; nhưng giờ đây, lợi thế đó không còn nữa. Nỗi lo già hóa dân số ngày càng lớn. Bên cạnh những chính sách, biện pháp khả thi để gia tăng dân số tự nhiên, việc giữ được nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao đào tạo ở nước ngoài bằng những khuyến khích, hỗ trợ hợp lý là giải pháp cấp bách, lâu dài. Nếu không, vấn đề nhân lực sẽ là một nan đề bất khả giải trong hiện tại và tương lai.
PGS.TS Bùi Thanh Truyền
(giảng viên Khoa Ngữ văn
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)