Tôi có đọc qua một nhận định như sau: “Thế giới thay đổi rất nhanh, kiến thức bạn học sẽ lạc hậu sau 4-5 năm nữa”. Nhận định này có phần đúng vì tốc độ phát triển công nghệ thông tin rất nhanh với nhiều sự cạnh tranh. Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đang là bước đột phá và dần đi vào đời sống, cũng như hỗ trợ và thay thế công việc của một số ngành nghề.
Nhìn lại ngành giáo dục trong thời gian qua cũng đang chuyển mình với nhiều chiến lược. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điểm nhấn và là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục. Bà Maria Montessori (một nhà giáo dục nổi tiếng) đã từng nói: “Nếu giáo dục luôn luôn chỉ là phương pháp truyền thụ kiến thức cũ kỹ, không có nhiều hy vọng cho tương lai của nhân loại. Bởi truyền thụ kiến thức thì có ích gì nếu sự phát triển toàn diện của cá nhân tụt lại phía sau?”. Đừng dạy cho trẻ thế giới hôm nay. Vì thế giới hôm nay của các em sẽ không ngừng thay đổi. Khi các em lớn lên, hãy ưu tiên giúp các em phát triển khả năng tư duy, sáng tạo và sự thích nghi. Giáo dục cần hướng tới mục tiêu trang bị cho học sinh kiến thức và khả năng thích nghi với sự phát triển của xã hội trong tương lai. Đây cũng là điểm nhấn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng tới việc hình thành năng lực và phẩm chất của học sinh, giảm kiến thức hàn lâm và tăng cường kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan thực tế trong đời sống.
Giáo dục Việt Nam bắt kịp với nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới ra sao?
Thầy cô giáo và những người làm giáo dục luôn mong muốn nền giáo dục nước nhà bắt kịp xu hướng của thế giới, các thế hệ học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng để làm hành trang trong tương lai. Tôi cho rằng ngành giáo dục đừng “đi tắt, đón đầu” nữa mà hãy tập trung vào những mũi nhọn, vào những mục tiêu cụ thể, lâu dài. Hai kỹ năng thiết yếu của “công dân toàn cầu” cần có đó là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ. Và có thể chỉ với hai tiêu chí này cũng đánh giá được phần nào chất lượng giáo dục Việt Nam so với các nước trong khu vực. Hiện nay, ngoại ngữ và công nghệ là hai kỹ năng còn thiếu với nhiều giáo viên! Một nền giáo dục mạnh mẽ phải được phát huy từ nguồn nội lực bên trong. Việc quy hoạch nội dung chương trình giáo dục, viết nhiều bộ sách giáo khoa, thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá… cũng chỉ là những “cái khung”, “cái áo” bên ngoài. Điều cốt lõi là tạo được động lực, đồng thuận từ thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục và toàn xã hội. Định hướng giáo dục cần rõ ràng, đầy đủ cả “quyền” và “lợi”, tức là “quyền tự quyết” của người dạy và người học, “lợi ích” nhận được của những người tham gia. Các cải cách giáo dục từ trước tới giờ vẫn một mô-típ “khắc xuất, khắc nhập”, phân luồng nhiều làn đường nhưng rồi cuối trạm lại nhập làn thành một. Tốn nhân lực, tài lực mà kết quả thu về không như mong đợi. Những chính sách giáo dục cần phải được thực nghiệm, tổng kết, đánh giá trước khi đem ra áp dụng đại trà. Cùng với đó là những bài học kinh nghiệm từ các dự án giáo dục trước đây của các nước đã thực hiện sẽ là một bài học quý giá mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần tham khảo và tiếp thu.
Ngành giáo dục cần làm gì để vươn mình?
Đây là một câu hỏi không hề đơn giản để giải đáp. Bởi lẽ giáo dục là một quá trình lâu dài cần có sự chuẩn bị, chăm chút chu đáo. Bác Hồ đã có lời căn dặn về giáo dục và đào tạo: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Cây muốn vươn mình thì cần có đất tốt, cần người chăm sóc tận tâm, lành nghề. Ngành giáo dục nước ta đã xây dựng một nền giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc, với những thế hệ học sinh tài năng, tự tin. Mục tiêu nâng tầm giáo dục học sinh cũng là hướng đi của ngành giáo dục đang đặt ra. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh lựa chọn môn học phù hợp với năng lực và sở thích để định hướng nghề nghiệp là những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nhiều bất cập phát sinh trong quá trình triển khai cần kịp thời khắc phục. Cụ thể, việc học sinh lựa chọn tổ hợp môn tự chọn phải duy trì suốt trong ba năm học từ lớp 10 đến lớp 12, và nếu học sinh muốn chọn lại cũng rất khó khăn. Cũng như cách học hiện nay vẫn mang nặng tính thi cử. Sau vài năm chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm 100% câu hỏi một lựa chọn, thì sắp tới đây kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ áp dụng mẫu trắc nghiệm 3 dạng thức (Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn; Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai; Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn). Mới đây Bộ GD-ĐT lại ra văn bản quy định ma trận đề kiểm tra đánh giá định kỳ (áp dụng từ học kỳ II năm học 2024-2025), trong đó đề kiểm tra gồm 4 phần với 3 dạng thức như trên và phần câu hỏi tự luận.
Ở dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà học sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Việc bổ sung thêm phần câu hỏi tự luận để bổ khuyết cho hình thức trắc nghiệm, yêu cầu học sinh phải lập luận đưa ra lời giải thay vì chỉ điền kết quả. Tuy nhiên, như đã nói ở trên dạng thức 3 và phần câu hỏi tự luận chỉ nên chọn 1 trong 2, giúp đề kiểm tra tinh gọn, giảm áp lực cho học sinh. Việc Bộ GD-ĐT quy định cấu trúc đề kiểm tra định kỳ để thống nhất chung với các sở GD-ĐT, nhưng lại mất đi tính “tự quyết, tự chọn” trong việc kiểm tra đánh giá học sinh, đồng thời khâu chấm bài, trả bài lại thêm công đoạn. Cũng như phần bài làm tự luận của học sinh sẽ chấm chặt chẽ, logic như bài kiểm tra tự luận “thuần túy” hay là “nương tay” nếu học sinh chỉ cần ra đúng đáp số? Có nhất thiết phải bổ sung phần tự luận vào bài kiểm tra đánh giá hay không, trong khi cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 lại không có phần tự luận? Việc loay hoay thay đổi hình thức kiểm tra chỉ khiến cho thầy cô giáo và học sinh mệt mỏi.
Giáo dục muốn vươn mình thì trên vai phải bỏ bớt gánh nặng. Tôi đơn cử một việc rất nhỏ mà các trường học tiên tiến, các trường quốc tế đã làm trong khi nhiều trường của chúng ta chưa làm được, đó là tủ cá nhân cho học sinh (School locker), giúp cho học sinh có thể cất trữ đồ dùng cá nhân của mình một cách an toàn và tiện lợi. Nhìn những em học sinh mỗi ngày vác trên vai chiếc balo nặng trĩu, với những bộ sách giáo khoa ngày càng dày và to thì các bậc cha mẹ có con đi học không khỏi đau xót. Có nhiều lý do để biện giải vì nhà trường không có đủ cơ sở vật chất, vì học sinh thiếu ý thức giữ gìn, vì khó xử lý khi xảy ra mất mát đồ đạc… Nhưng tôi cho rằng những nhà giáo dục hãy quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất, tâm lý và những nhu cầu chính đáng của các em. Ngoài kiến thức thì học sinh còn cần nhiều thứ khác nữa!
Giáo dục chuyển mình với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục
Đã có những chỉ đạo từ Trung ương đến các ban, ngành về lộ trình chuyển đổi số. Ngành giáo dục cũng đang hướng tới 3 mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục gồm: Chuyển đổi số trong các hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá; Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục và quản lý ngành giáo dục; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.
Chính sách, chiến lược giáo dục đã có nhưng cần một lộ trình đồng bộ. Hiện nay gần như việc thực hiện của từng trường mang tính tự phát, ngân hàng học liệu số là do giáo viên hoặc tổ bộ môn tự xây dựng, trên nền tảng kỹ thuật của một đơn vị cung cấp, dẫn tới việc không thống nhất hoặc chỉ làm “thời vụ”. Tục ngữ có câu: “Ăn ít no dai, ăn nhiều tức bụng”. Giáo dục không thể làm trong một buổi, một ngày, không nên ôm đồm nhưng cần làm thực chất và hiệu quả.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)