Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và rèn luyện đạo đức trong giới trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khoảng ba năm qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật hình sự.
Riêng từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng. Ðại diện Công an TP Hà Nội cho biết: Qua các vụ việc cho thấy, nếu như những năm 2000 trở về trước, lứa tuổi học sinh, sinh viên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn, thì những năm gần đây, tính chất, mức độ của tội phạm đã trở nên nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm rất đa dạng và phức tạp. Ðáng chú ý, có một bộ phận thanh niên, thiếu niên, sinh viên, học sinh đã tham gia vào các ổ, nhóm tội phạm sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Ðó là những hành vi: giết người; giết người cướp của; cố ý gây thương tích; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; phát tán lên mạng in-tơ-nét những vụ việc vi phạm pháp luật do bản  thân mình  gây ra; trộm cắp, cướp giật tài sản; đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ với nhiều hung khí và vũ khí khác nhau… Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 42 vụ học sinh tụ tập đánh nhau, gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có  hai vụ giết người.
Những hiện tượng nêu trên đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh, học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội. Không chỉ vậy, việc vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên đang đưa đến một số nhìn nhận bi quan, không tin tưởng vào hình ảnh của lớp trẻ Thủ đô nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung trong thời kỳ mới của đất nước.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng rất đáng lo ngại này không mới và đã được phân tích, chỉ rõ. Trước hết, đó là sự thiếu quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình. Môi trường sống trong gia đình chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng  nhân cách sống và hành xử của người trẻ. Hiện nay, vấn đề "nóng" đặt ra cho mỗi bậc phụ huynh là cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho con em mình; lựa chọn những hình thức động viên, giáo dục, răn đe phù hợp, không chiều chuộng nhưng cũng  không bạo hành đối với con cái trong cuộc sống. Việc quản lý, định hướng, giúp con em mình có ý thức xây dựng lối sống đẹp, sống có ích cần được các bậc phụ huynh chú trọng bằng những hành động cụ thể.
Về phía nhà trường, bên cạnh việc dạy văn hóa, cần tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa việc định hướng cho học sinh, sinh viên về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Cần đặc biệt quan tâm, giáo dục đối với các em học sinh cá biệt, học sinh hư, chậm tiến; tránh đuổi học những em này. Việc đẩy các em học sinh hư ra khỏi môi trường giáo dục… sẽ gián tiếp đưa các em đến với các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật như đã nêu ở trên. Nhà trường cần tăng cường liên lạc với các phụ huynh trong việc quản lý học sinh về giờ học, về quá trình phấn đấu, rèn luyện trên lớp và tại nhà.
Cùng với những vấn đề trên, chúng ta cần thừa nhận việc quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng đối với các loại phim, ảnh, văn hóa, trò chơi bạo lực, đồi trụy, hoạt động của các cửa hàng kinh doanh in-tơ-nét, ka-ra-ô-kê, nhà nghỉ, khách sạn… cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức của học sinh, sinh viên tại Thủ đô trong thời gian qua. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của tổ chức đoàn, hội trong nhà trường, nhất là khối THPT chưa tạo được dấu ấn và chưa thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.
Ðể trở thành công dân tốt của xã hội, người con hiếu thảo của gia đình, mỗi người trẻ cần rèn luyện, xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng để nhận thức cái tốt, cái xấu, từ đó vượt qua cám dỗ và khẳng định bản thân trên đường lập thân, lập nghiệp.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, số vụ vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên Thủ đô sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, tính chất vi phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Do vậy, công tác phòng, chống tội phạm trong đối tượng này cần được toàn xã hội, trong đó, đặc biệt là các gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn, hội quan tâm và coi là nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay. Qua đó, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có đức, có tài, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, cống hiến sức trẻ và trí tuệ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ÐINH SONG LINH
(nhandan)

Bình luận (0)