Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục ý thức học sinh từ những chuyện nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù là học sinh trường chuyên, đầu vào đều có hạnh kiểm tốt nhưng không phải là bất biến! Tốt là theo đánh giá từ trường THCS, phải qua thời gian thì các em mới bộc lộ hết những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Điều quan trọng là khi thấy được những mặt hạn chế trong ý thức của học sinh, người thầy phải có nhiều cách làm vì mỗi học sinh là một chủ thể khác nhau, không giống nhau mà áp dụng đại trà được. Có một vài giáo viên tỏ ra dễ dãi với học sinh, thường nói với tôi là “Thầy khó khăn quá, chuyện nhỏ bỏ qua cho các em”! Nhưng với tôi, bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề dạy học, cần uốn nắn các em từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng dễ trở thành thói quen khó sửa sau này. Lúc đó, người thầy đâu còn ở một bên cạnh để mà răn dạy, bày cho các em điều hay, điều tốt nên làm và những điều không nên làm. Làm hết trách nhiệm của người thầy, mình mới thấy yên tâm.

Mấy lần đi kiểm tra quanh khuôn viên trường, tôi thấy có nhiều chai nước ngọt học sinh uống một nửa rồi vứt bỏ bên bồn bông hoặc lối đi. Tôi nêu việc này trước toàn trường trong giờ chào cờ đầu tuần. Nêu vấn đề xong, tôi đề nghị các em học sinh có cảm nghĩ như thế nào. Một vài ý kiến cho rằng chai nước học sinh đã mua thì uống hết hay không là quyền của các em. Tôi nói rằng điều đó không sai nhưng tuổi các em còn đi học, chưa làm ra tiền. Vì vậy, các em phải biết quý đồng tiền cha mẹ làm ra, bởi kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng! Các em biết sống tiết kiệm, không xài hoang phí chính là thương cha mẹ, là con người có hạnh kiểm tốt… Bên cạnh đó, các em cần bỏ thói quen xả rác bừa bãi vì đã có thùng rác thì phải bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ. Biết giữ gìn vệ sinh chung là rèn luyện nếp sống văn minh; mình vì mọi người, không thể mình làm khác người được. Hoặc sau những buổi học, tôi yêu cầu các em tắt quạt, đèn, nguồn điện; đóng cửa sổ đề phòng mưa, dông gió; sắp xếp bàn ghế ngay ngắn, gọn gàng; chai, ly nước đều phải dọn sạch sẽ, đưa vào thùng rác. Tôi đưa ra yêu cầu và thường xuyên đi kiểm tra sau mỗi giờ học, xem lớp nào thực hiện tốt để kịp thời biểu dương và lớp nào chưa làm tốt để phê bình, chấn chỉnh. Vì vậy, tôi thường rời trường sau cùng, khi học sinh tất cả các lớp đã ra khỏi cổng trường. Từ đó từng bước hình thành những thói quen tốt cho học sinh; giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ của công, của tập thể cho các em. Có được nền nếp như vậy, tôi luôn phối hợp chặt chẽ cùng giáo viên chủ nhiệm, cùng Đoàn trường; giao công việc cùng làm, cùng chung tay giáo dục học sinh những ý thức tốt.

Chuyện giáo dục ý thức cho học sinh cũng cần phối hợp với gia đình, với phụ huynh để tìm ra tiếng nói chung; cùng chung trách nhiệm giáo dục con em mình.

Hng Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)