Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giáo dục ý thức hướng thiện và lòng nhân ái

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tại một số địa phương thời gian qua đã xảy ra những vụ đâm chém, giết người chỉ vì xích mích, mâu thuẫn rất nhỏ. 

Ngày 12-5, người đàn ông cầm kéo lao vào trạm xăng ở huyện Hóc Môn (TPHCM) đâm bị thương một nhân viên
Ngày 12-5, người đàn ông cầm kéo lao vào trạm xăng ở huyện Hóc Môn (TPHCM) đâm bị thương một nhân viên

Thời gian gần đây, chúng ta phấn khởi khi thấy rất nhiều thông tin về những thành tựu kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là sau khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nền kinh tế đã phục hồi rõ nét. Song, chúng ta cũng không khỏi trăn trở khi thấy trong dòng thông tin có xuất hiện một vệt đen đáng lo, đó là tại một số địa phương thời gian qua đã xảy ra những vụ đâm chém, giết người chỉ vì xích mích, mâu thuẫn rất nhỏ. 
Ngày hôm qua 12-5, một người đàn ông cầm kéo lao vào trạm xăng ở huyện Hóc Môn (TPHCM) đâm bị thương một nhân viên. Trước đó, khi đến đây đổ xăng, người đàn ông này hút thuốc, nên nhân viên trạm xăng có nhắc nhở, xảy ra cự cãi, dẫn đến xô xát. Ngày 30-4, tại TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), từ chuyện đậu ô tô vướng lối đi đã dẫn đến xảy ra mâu thuẫn, hai nhóm lao vào đánh nhau khiến 3 người bị thương nặng. Ngày 4-4, tại quận Gò Vấp (TPHCM), một người đàn ông đi sai làn đường đã rút dao đâm chết anh dân quân tự vệ đang điều tiết giao thông khi được anh này nhắc nhở. Còn rất nhiều vụ gây trọng án khác mà nguyên nhân ban đầu rất nhỏ như: khó chịu bởi tiếng nẹt pô xe máy của người qua đường, khi lỡ bị người khác giẫm nhầm lên chân trong quán đông, khi mời rượu mà người ta không uống, khi có chuyện tranh cãi qua lại trên mạng…
Có ý kiến cho rằng, trong xã hội có những kẻ dễ hành xử côn đồ như vậy là một hiện tượng tâm lý xã hội thời hậu Covid-19, khi nhiều người mất việc làm, đời sống khó khăn, nên dễ bức bối, cáu kỉnh, dẫn đến hành vi bạo lực. Thực ra đó là cách nói khiên cưỡng, căn nguyên của những hành vi tội ác đó là sự thiếu nhân tính, lệch lạc nghiêm trọng về đạo đức – do không được trang bị, giáo dục đúng đắn về ý thức hướng thiện và lòng nhân ái.
Có thể chỉ ra các nguyên do xác đáng: thường là đối tượng gây án trong trạng thái tâm lý bị kích động, ý thức mất kiểm soát do dùng chất kích thích, do cuồng ghen, quen thói côn đồ, hay tính sân si hơn thua trong giao tiếp. Điều dễ thấy là trong xã hội hiện nay, có không ít sản phẩm văn hóa, giáo dục, thông tin, giải trí được người ta tung ra thị trường chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu, để chạy theo lợi nhuận, mà không quan tâm tính giáo dục. Do vậy, lớp trẻ rất dễ chịu tác động tiêu cực từ những hành vi bạo lực xuất hiện nhan nhản trong phim hành động, video clip, game, truyện tranh… Bên cạnh đó, những kẻ muốn gây tội ác hiện không khó để tìm mua được mã tấu, súng hoa cải tự chế, thậm chí cả vũ khí quân dụng, chất nổ và các hóa chất nguy hiểm.
Có không ít trẻ em lớn lên bị lệch lạc nghiêm trọng về đạo đức, rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc, không hiểu biết pháp luật, không có lòng nhân từ; không nghĩ đến hậu quả, nên dễ gây tội ác. Do vậy, một yêu cầu rất quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm hơn trong việc giáo dục ý thức hướng thiện và xây dựng quan hệ tình người trong cuộc sống, trang bị đủ nhận thức và kỹ năng sống, để giới trẻ biết giao tiếp văn minh, hòa nhã, biết dị ứng với cái ác và có ý thức tuân thủ pháp luật. 
Trong cuộc chiến chống lại cái ác, cùng với việc nâng cao hiệu quả giữ gìn an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiệu quả công tác điều tra và xử lý pháp luật, cũng cần quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu điều tra xã hội học về tội phạm để có sự điều chỉnh ứng phó khoa học. Các đoàn thể cũng phải vào cuộc thật nhanh trong việc tham gia giải quyết vấn đề xã hội gai góc và cấp bách này.
HUỲNH THANH LUÂN (theo SGGP)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)