Tòa soạnThư đi – tin lại

Giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường(*): Bài 2: Thay bài học “giáo huấn” bằng những hành vi ứng xử

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục không đồng bộ

Học sinh sẽ không là tội phạm nếu được giáo dục về pháp luật tốt. Ảnh: I.T

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật được đặt ra như một tất yếu khách quan. Điều đó không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó ý thức pháp luật đóng vai trò quan trọng. Khi nói đến ý thức, nghĩa là nói đến con người vì chỉ có con người mới có ý thức, mà con người là tổng thể của các mối quan hệ trong xã hội, là động lực thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của xã hội, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cho HS, SV ở nước ta những năm gần đây đã trở thành vấn đề mang tính thời sự không chỉ của ngành giáo dục mà còn là của toàn xã hội. Các hành vi lệch chuẩn về đạo đức trong HS-SV ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Những tấm gương đạo đức về giúp bạn vượt khó, tương thân, tương ái trong học tập ngày một ít đi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các bạn trẻ định hình cho mình một phong cách sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức đúng lứa tuổi của các em.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, nhiều bạn trẻ có ý chí vươn lên trong học tập, có hoài bão và khát vọng lớn. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường và ảnh hưởng mặt trái của nó đã làm tăng hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thanh thiếu niên.
Hành vi vi phạm pháp luật trong HS, SV đang là mối quan ngại cho gia đình và xã hội như bạo lực học đường, tụ tập băng nhóm, gian lận trong thi cử, cờ bạc, ma túy, vi phạm giao thông, đua xe trái phép,… Một số hành vi lệch chuẩn khác về đạo đức như bất kính với thầy cô, cha mẹ và người thân, đua đòi, vị kỷ… Những hành vi lệch chuẩn đó là kết quả của sự giáo dục không đồng bộ giữa gia đình và nhà trường; giữa nhà trường và xã hội.
Xét về mối quan hệ giữa thầy và trò thì ngày càng nhợt nhạt. Một bộ phận nhỏ thầy cô giáo đến trường chỉ mang nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, chạy theo kinh tế thị trường trong việc dạy thêm ngoài giờ, dạy thêm ở các trường tư thục khác nên không còn thời gian đầu tư sâu cho bài giảng và quan tâm nhiều đến HS (lúc này người thầy trở thành “thợ giảng”). Còn HS thì chịu nhiều áp lực trong học tập, đời sống tinh thần lẫn vật chất. Khi về nhà, cha mẹ lo bươn chải với cuộc sống mà thiếu đi sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ với các em những buồn vui, các em không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống. Ở độ tuổi của các em là tuổi ước mơ và sống lý tưởng, nhưng hiện nay các em không có “mẫu người” lý tưởng. Chính vì thế, những mối tình chớp nhoáng, những nhân vật ăn chơi sành điệu, những sát thủ tàn bạo trong phim ảnh đã trở thành “thần tượng” của các em.
Đối tượng HS, SV gây án chiếm 3,6%
Hiện nay, số lượng trẻ vị thành niên nói chung và HS nói riêng phạm pháp đang tăng theo xu hướng trẻ hóa và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an về tình hình tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2009 trên cả nước xảy ra 25.508 vụ phạm pháp hình sự. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an các đơn vị, địa phương đã điều tra khám phá 18.597 vụ, bắt giữ xử lý 27.396 đối tượng; triệt phá 1.986 băng nhóm tội phạm hình sự, xử lý 6.484 đối tượng. Trong số đối tượng gây án, tỷ lệ HS, SV chiếm 3,6%, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết bạn cùng lớp, cùng trường, giết cướp.
Hiện toàn quốc có trên 20.000 trẻ em vi phạm pháp luật, số người chưa thành niên có nguy cơ làm trái pháp luật là trên 21.000 em. Số thanh thiếu niên tụ tập, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó học sinh phổ thông trung học tham gia khá nhiều.
Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình trạng đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay có nhiều bất ổn, từ thái độ học tập, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường, chấp hành pháp luật đến những hành vi tiêu cực trong học tập, thi cử của HS, SV và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào học đường. Điều đáng nói là ý thức, đạo đức HS ở những bậc học càng cao càng có chiều hướng đi xuống.
Hình ảnh người thầy ít nhiều bị lu mờ trong nền kinh tế thị trường cũng là một nguyên nhân khiến cho HS, SV không biết lấy đâu làm điểm tựa để phấn đấu. Một khi vai trò của người thầy không còn được đề cao như trước thì việc giáo dục đạo đức, lối sống trong bộ phận HS, SV hiện nay cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm. Và hơn bao giờ hết, các thầy cô giáo phải là những tấm gương sáng, có lối sống gương mẫu, ý thức kỷ luật cao để tạo thành sức hút lớn nhất, mạnh mẽ nhất, cao quý nhất đối với thế hệ trẻ.
 
ThS. luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch
 (*) Xem từ số báo ra ngày 19-10

Bình luận (0)