Tòa soạnThư đi – tin lại

Giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường: Bài cuối: Giải pháp giáo dục ý thức pháp luật trong HS-SV

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) trong giờ học môn giáo dục công dân

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong toàn ngành. Cần xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục các cấp. Mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động, người học trong ngành phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình.
Thứ hai, trong xu thế phát triển của xã hội, đòi hỏi mỗi người phải kịp thời trang bị cho mình những kiến thức nhất định về pháp luật nhất là đối tượng học sinh, sinh viên và những người làm công tác trồng người. Do đó, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường cần được sự quan tâm của ngành giáo dục và các ngành chức năng cao hơn nữa.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân; đưa các quy định của pháp luật kịp thời đến với học sinh, sinh viên và đội ngũ những người làm công tác giảng dạy. Ý thức chấp hành pháp luật của họ theo đó cũng được nâng lên. Hạn chế đến mức thấp nhất hành vi vi phạm pháp luật của học sinh và những người làm công tác giáo dục.
Thứ tư, chương trình sách giáo khoa “Giáo dục công dân” bậc phổ thông cần phải có những thay đổi cho phù hợp hơn. Cần dạy học sinh những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống đúng đắn.
Thứ năm, các trường nên thành lập ban chỉ đạo tuyên truyền phổ biến pháp luật với thành phần theo quy định và chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật trong năm học. Tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, tuyên truyền pháp luật bằng những hình thức hấp dẫn các em tham gia như thi đua giải quyết các tình huống pháp luật có thưởng; trình bày tiểu phẩm về pháp luật; phiên tòa giả định… Hàng năm nên mời các báo cáo viên đến trường để thuyết trình về kiến thức pháp luật cho giáo viên. Chính từ các chuyên đề này sẽ giúp ích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nắm vững kiến thức pháp luật, có cơ sở để xây dựng kế hoạch giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh.
Tóm lại, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường học sinh phải được rèn luyện ý thức pháp luật.
Giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó nên kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật. Cần thay đổi cách đánh giá học sinh thay cách đánh giá đơn thuần bằng điểm số. Giáo viên phải tự tìm cho mình những phương pháp dạy học tốt nhất nhằm giúp học sinh có kỹ năng ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và các quy tắc trong xã hội.
 
ThS. luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Bình luận (0)