Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục yếu kém là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Chính trị vừa có thông báo kết luận một số nội dung về công tác giáo dục, giao Ban cán sự Ðảng Chính phủ thực hiện nhằm tiếp tục thực hiện nghị quyết trung ương 2 (khóa VIII) và phương hướng phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2020.
Trong kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ rõ những yếu kém của giáo dục – đào tạo hiện nay là mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới; chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng miền, quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa. Bộ Chính trị nhận định “chính công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác”.
Kết luận của Bộ Chính trị khẳng định: để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) nước ta phải đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ. Bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện tốt để phát triển GD-ĐT đến năm 2020 đã được Bộ Chính trị nêu rõ: Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho HSSV, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý. Bộ Chính trị yêu cầu phát triển quy mô hợp lý cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông… Nhóm giải pháp thứ hai là đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với GD-ĐT. Trong đó cần “chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu vào của SV, không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém”.
Hai nhóm giải pháp tiếp theo là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chất lượng và tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu rà soát toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông, sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả.
Trong nhóm giải pháp thứ năm, kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu tăng đầu tư nhà nước cho GD-ĐT, đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng. Hai nhóm giải pháp cuối cùng Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền… thực hiện để phát triển GD-ĐT đến năm 2020 là bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và tăng cường hợp tác quốc tế về GD-ĐT.
THANH HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)