- 1 Giao lưu 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM
Chiều 26-4, UBND TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khách mời tại buổi giao lưu có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang); ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM – nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư; ông Phạm Dứt Điểm – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM; ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó Chủ tịch UBND H.Cần Giờ…

Trong buổi giao lưu, Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang dù đã 97 tuổi vẫn nhớ và kể vanh vách những ngày tháng lịch sử 30-4 tại TP.HCM của 50 năm trước.
Đó là câu chuyện xúc động về sự hy sinh của 52 chiến sĩ bảo vệ cầu Rạch Chiếc vài ngày trước khi đất nước thống nhất, về ngày 30-4 lịch sử khi Tổng thống Dương Văn Minh nói với người Mỹ trước khi đầu hàng quân giải phóng: Từ nhỏ tôi theo các ông, đến giờ này cho tôi làm cho đất nước tôi một chút.
“Mà chúng ta giải phóng Sài Gòn được nguyên vẹn. Đó là nhờ sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, đặc biệt công tác binh vận rất tốt”, ông Tư Cang nhấn mạnh.
Ông Phạm Chánh Trực cũng xúc động khi kể về những ngày sau giải phóng. Thanh niên đổ ra đường làm công việc tình nguyện như điều khiển giao thông, dọn dẹp vệ sinh, xóa bỏ tàn tích…

Ông cho rằng, đó chính là dấu hiệu đầu tiên của phong trào tự nguyện, tiền thân cho lực lượng thanh niên xung phong. Ông cũng kể về hành trình ra đời Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của cả nước, đánh dấu bước ngoặt hợp tác kinh tế với quốc tế.
Ở tuổi 105, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Ông cho biết, ngày 30-4-1975, lúc ấy tôi cũng chỉ là người dân thường như những công dân khác. TP trải qua chiến tranh thiếu thốn trăm bề. Thậm chí tôi phải ăn bo bo, khoai lang khoai mì trừ bữa, muốn mua cây kim sợi chỉ cũng khó. Nhưng nhờ chúng ta đổi mới tư duy, phá bỏ cơ chế bao cấp lỗi thời mà kinh tế phát triển. Vì vậy thời đó có những cụm từ như: “chạy gạo”, “xé rào bung ra” mà giờ nói ra không phải ai cũng biết”.

50 sự kiện, hoạt động tiêu biểu trải dài trên nhiều lĩnh vực, gồm: Chính trị (14 sự kiện); Quốc phòng – An ninh (2 sự kiện); Y tế (2 sự kiện); Kinh tế (5 sự kiện); Lịch sử – Văn hóa (2 sự kiện); Giao thông Vận tải (3 sự kiện); Văn hóa – Xã hội (12 sự kiện); Môi trường (2 sự kiện); Khoa học – Công nghệ (4 sự kiện); Giáo dục (2 sự kiện); Đối ngoại (1 sự kiện) và Thể thao (1 sự kiện).
Nổi bật trong danh sách được công bố có thể kể đến “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn cùng cả nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, tiến lên Chủ nghĩa xã hội” (1975); “Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI Nước Việt Nam thống nhất đã thông qua nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành TP.HCM” (1976); “Thành lập KHU chế xuất Tân Thuận – Khu chế xuất đầu tiên của cả nước” (1991); “Thành lập Đại học Quốc gia TP.HCM” (1995); “TP.HCM khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán” (2000); “Chính thức vận hành tuyến Metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên)” (2024)…
Hồ Trinh
Bình luận (0)