Trong xu thế hội nhập, nhiều giảng viênViệt Nam được các trường ĐH nước ngoài mời thỉnh giảng. Đây là cơ hội cho họ làm quen với môi trường mới để tích lũy thêm kinh nghiệm trong quá trình truyền đạt tri thức.
TS. Nhan Cẩm Trí (thứ hai từ trái qua) tham quan xưởng thực hành của trường. Ảnh nhà trường cung cấp |
Một trong số các giảng viên đó là TS. Nhan Cẩm Trí (Trưởng khoa kinh tế, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), người vừa có đợt thỉnh giảng dài ngày tại ĐH Da Yeh (Đài Loan). Theo đó, TS. Trí được ĐH Da Yeh mời giảng dạy 4 chuyên đề, gồm: How to manage your company’s cost (Quản lý chi phí doanh nghiệp); Global production, outsourcing & logistics (Sản xuất toàn cầu, hoạt động thuê ngoài và dịch vụ logistics); Personal selling & sales management (Bán hàng cá nhân và quản lý bán hàng) và How to become a good manager (Để trở thành người lãnh đạo giỏi) cho 3 lớp cao học và 1 lớp nghiên cứu sinh. Đây là chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh không phiên dịch, học viên theo học đến từ nhiều quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Mông Cổ, Việt Nam… Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, TS. Trí cho biết:
Tôi rất vui và hãnh diện khi được ĐH Da Yeh mời đích danh tham gia chương trình trao đổi học thuật dành cho giảng viên quốc tế của trường. Đây là lần đầu tiên họ mời giảng viên Việt Nam sang thỉnh giảng, trước đó đã có nhiều quốc gia khác được mời. Tôi thấy ngoài vinh dự cá nhân thì đây còn là trách nhiệm lớn của tôi đối với Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, nơi tôi đang làm việc. Và tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình thật tốt. Đa phần giảng viên và học viên đều cảm thấy hứng thú với các giờ giảng của tôi và cho phản hồi tốt.
Chuyến đi thỉnh giảng lần này thật sự là một trải nghiệm thú vị đối với tôi. Dù chỉ mới làm quen và tiếp xúc trong một thời gian ngắn nhưng qua từng tiết học, tôi nhận thấy các học viên đều là những người chăm học, có ý thức tự giác và học tốt. Hầu hết các bạn đều tích cực tương tác với giảng viên trên lớp chứ không phải tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Các giờ học đều tham gia làm việc nhóm và tích cực phát biểu một cách chủ động. Vì thế lớp học luôn sôi nổi với các hoạt động trao đổi.Một điểm khác biệt nữa cũng rất ấn tượng là sĩ số lớp học chỉ khoảng 20-25 học viên, không nhồi nhét quá nhiều học viên trong một lớp như nhiều trường ĐH ở Việt Nam.
TS. Nhan Cẩm Trí đang tương tác với một học viên tại ĐH Da Yeh. Ảnh nhà trường cung cấp |
Cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy… ở nước bạn có gì khác so với Việt Nam, thưa ông?
– Ấn tượng mạnh nhất của tôi có lẽ chính là cơ sở vật chất của trường. Đó là một khuôn viên rộng đến 50ha bao phủ bởi cây xanh và gồm nhiều tòa nhà lớn mà để đi từ tòa nhà này sang tòa nhà kia, bạn phải đi bằng xe buýt. Chương trình đào tạo của trường rất chú trọng kỹ năng thực hành cho sinh viên, học viên; mỗi ngành, mỗi khoa đều có xưởng cho sinh viên, học viên thực hành chứ không “học chay”. Sinh viên, học viên của ĐH Da Yeh được phép tự do sáng tạo đến mức tối đa. Giáo trình giảng dạy tại Đài Loan đa phần là những giáo trình bằng tiếng Anh của các nhà xuất bản nổi tiếngở Mỹ như South-Western, Mc Graw Hill… Trường có nguồn tài liệu e-book rất phong phú và sinh viên, học viên có thể truy cập thoải mái để sử dụng cho việc học và nghiên cứu. Giảng viên giảng dạy tại ĐH Da Yeh đa phần có học vị tiến sĩ và có kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, về trình độ Anh ngữ, tôi cho rằng sinh viên, học viên và giảng viên Việt Nam không thua kém quốc gia này. Bằng chứng là học viên Việt Nam trong các lớp học này nói tiếng Anh lưu loát và hay hơn học viên một số nước.
Theo ông, các trường ĐH ở Việt Nam cần có những thay đổi gì để nâng cao chất lượng giảng dạy?
– Tôi rất mong các trường ĐH ở Việt Nam xúc tiến các chương trình trao đổi giảng viên ngắn hạn như thế này với nhiều trường ĐH trong khu vực để tạo điều kiện cho giảng viên có dịp cọ xát với môi trường quốc tế. Có như vậy, giảng viên Việt Nam mới tiếp thu được nhiều phương pháp giảng dạy thông qua các hoạt động giao lưu quốc tế, và thương hiệu của các trường ĐH Việt Nam có thể phát triển mạnh trên trường quốc tế, từ đó chúng ta mới có tiếng nói trong khu vực. Ngoài ra, các trường ĐH ở Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất, tăng cường tính thực hành hơn là “học chay” như hiện nay. Ví dụ, học ngành nhà hàng khách sạn, sinh viên phải được thực hành ngay tại xưởng của trường. Và việc thực hành này thường xuyên chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa” đến tham quan một doanh nghiệp nào đó rồi về…
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang
(thực hiện)
Bình luận (0)