Hội nhậpGiáo dục phát triển

“Giao lưu Olympic tiếng Anh tiểu học”

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tự tin hơn trong giao tiếp

Các học sinh giỏi tiếng Anh TP. Buôn Ma Thuột trong phần thi tự chọn

Từ tháng 3-2009, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Tiểu học đã phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức giao lưu Olympic tiếng Anh tại các tỉnh, thành trên cả nước. Chương trình đã thu hút hàng ngàn học sinh giỏi tiếng Anh và thầy cô giáo các trường tiểu học tham gia, tạo nên không khí sôi nổi trong những ngày sắp kết thúc năm học 2008-2009.
Từ năm 1996, Bộ GD-ĐT có chủ trương đưa chương trình tiếng Anh tự chọn vào giảng dạy ở cấp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5). Để động viên và khuyến khích việc dạy và học tiếng Anh ở các trường tiểu học, tạo hứng thú trong học tập và giao tiếp tiếng Anh của học sinh, qua đó giúp cho các cấp quản lí có cái nhìn tổng quát hơn nữa về bức tranh chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học, tháng 3-2009, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), Vụ Giáo dục Tiểu học cùng phối hợp với các sở GD-ĐT tỉnh, thành trên cả nước tổ chức “Chương trình giao lưu Olympic tiếng Anh bậc tiểu học”. Chương trình được tổ chức làm 2 cấp: cấp tỉnh, thành và cấp khu vực. Cấp khu vực chỉ lựa chọn một số tỉnh, thành phố có phong trào học tiếng Anh tốt tham gia giao lưu. Khu vực miền Bắc gồm 9 tỉnh, miền Trung: 5 tỉnh và miền Nam: 7 tỉnh.
Tại các tỉnh khu vực phía Nam, chương trình giao lưu Olympic đã diễn ra từ ngày 15-4 đến 31-5-2009 với sự tham gia của hơn 300 học sinh giỏi tiếng Anh được tuyển chọn từ các trường tiểu học các tỉnh, thành: Đắc Lắc, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long. Nội dung thi gồm có 2 phần: phần kiểm tra đánh giá năng lực ngôn ngữ (nghe, đọc, viết, từ vựng, ngữ pháp) theo hình thức thi trắc nghiệm và phần giao lưu. Về chương trình giao lưu, các em được các giáo viên hướng dẫn tham gia các trò chơi như tìm từ, kiện từ nói về màu sắc, thời tiết, các động từ chỉ những hoạt động, nghe nhạc và nói tên bài hát tiếng Anh… Bên cạnh đó, các địa phương như Cần Thơ, Bình Dương… còn tổ chức cho học sinh diễn kịch, đọc thơ, kể chuyện và ca hát những bài hát bằng tiếng Anh, tạo nên không khí sôi nổi, phấn chấn cho các em trong những ngày sắp kết thúc năm học.
Qua kết quả thi, các địa phương đã chọn được 100 học sinh xuất sắc nhất, thành lập từ 1-2 đội, mỗi đội 6 học sinh để tham gia “Chương trình giao lưu Olympic tiếng Anh khu vực phía Nam” sẽ tổ chức vào ngày 20-6 tới. Nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… đã cử tới 2 đội tham gia, do các thí sinh đạt điểm cao ngang nhau. Theo thông tin có được, đến nay, khu vực phía Nam có 10 đội của 7 tỉnh, thành (Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh) sẽ tham gia giao lưu Olympic tiếng Anh khu vực phía Nam.
Theo đánh giá chung của ban giám khảo thuộc các địa phương qua hoạt động giao lưu thì trình độ tiếng Anh hiện nay học sinh tiểu học khá đồng đều; kĩ năng nghe, nói và viết có những tiến bộ rõ rệt so với yêu cầu đặt ra, có tự tin hơn trong giao tiếp… Đối với cán bộ quản lí nhà trường và các giáo viên dạy tiếng Anh cũng đã rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lí và đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho phù hợp. Nhiều địa phương, do điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu giáo viên nên chưa có thể tổ chức dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học. Qua các cuộc thi này, đã giúp cho các cấp quản lí có quyết tâm hơn trong việc đưa chương trình giảng dạy tiếng Anh tự chọn vào các trường tiểu học ở địa phương mình.
13 năm từ khi Bộ GD-ĐT đưa chương trình dạy tiếng Anh tự chọn vào trường tiểu học, tuy có nhiều ý kiến trái ngược nhau do bất cập về cơ sở vật chất, chương trình, giáo viên từng địa phương, vùng miền, nhưng phần đông dư luận xã hội, các nhà khoa học đồng tình và khẳng định là chủ trương đúng.
Qua cuộc thi Olympic tiếng Anh được tổ chức lần này, chúng ta hy vọng các cấp quản lí giáo dục và xã hội có quyết tâm hơn nữa trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai thành công việc đưa chương trình giảng dạy tiếng Anh bắt buộc vào tất cả các trường tiểu học trên cả nước theo Quyết định 1400 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và như dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 đã đề cập.
H.L

Bình luận (0)