Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình”

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần qua, Trường ĐH Văn Lang đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân dịp nhà thơ Nguyễn Bá Chung (Chuyên gia của Viện William Joiner, ĐH Massachusetts) từ nước ngoài về và ra mắt tuyển tập thơ xuất bản tại Hà Nội.


Nhà thơ Nguyễn Bá Chung (người ngồi giữa) giao lưu tại chương trình

Ông Nguyễn Bá Chung là nhà thơ, nhà phê bình và dịch giả người Mỹ gốc Việt. Ông sinh năm 1949 tại Hải Dương, nhận học bổng du học năm 1971 và định cư tại Hoa Kỳ từ đó. Hiện ông là chuyên gia giáo dục của Viện William Joiner thuộc ĐH Masachusetts (Boston); từng là giám đốc chương trình nghiên cứu Rockefelle; giảng viên ĐH Masachusetts; điều phối viên chương trình học hè tại Huế và chương trình trao đổi văn học Mỹ – Việt Nam thuộc ĐH Masachusetts. Ông cũng có nhiều hoạt động giới thiệu văn học của hai nước.

Với những đóng góp đó, ông được ví như một “sứ giả văn học lưỡng quốc Mỹ – Việt”. Các tập thơ của ông đã xuất bản tại Việt Nam gồm: “Mưa ngàn” (1996), “Ngõ hạnh” (1997), “Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh” (1999), “Nguồn” (2009) và tuyển tập thơ Nguyễn Bá Chung vừa ra đời tháng 10-2022.

Ngoài ra, ông là đồng dịch giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu; tuyển tập thơ “Đường xa” của nhà thơ Nguyễn Duy và là đồng chủ biên 12 tuyển tập văn, thơ song ngữ của văn học Việt Nam, 2 tuyển tập văn học cổ “Thơ thiền Lý – Trần” và “Thơ thiền – Lê Nguyễn”. Ông còn có nhiều bài viết trên các chương trình truyền hình và các tạp chí.

Tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Bá Chung và nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Nguyễn Duy (Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn hóa Văn Lang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo văn hóa nghệ thuật và truyền thông Văn Lang) đã cùng hồi ức về những hoạt động văn hóa, văn học của giới nhà văn, nhà thơ hai nước Việt – Mỹ.

Đồng thời, các nhà văn, nhà thơ trao đổi sâu về nghề nghiệp; tìm cách để văn học và giao lưu văn hóa có sức chinh phục mạnh mẽ hơn; giới thiệu đến bạn đọc Mỹ nền văn hóa Việt Nam. Đây cũng là dịp nhìn lại chặng đường đã qua và giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ trẻ làm được nhiều việc tốt hơn dựa trên nền tảng mà thế hệ đi trước đã gây dựng.

Việt Ngân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)