Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giao quyền tự chủ: Tạo động lực mạnh mẽ phát triển giáo dục đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học là một nội dung thể hiện xuyên suốt trong các điều khoản của dự thảo Luật Giáo dục đại học. Xã hội kỳ vọng khi các trường được giao quyền tự chủ hoàn toàn, chất lượng đào tạo sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.

GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học.

Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã phỏng vấn GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học về vấn đề này.

Xin Thứ  trưởng cho biết vai trò của Luật Giáo dục đại học trong thực hiện mục tiêu đổi mới quản lý đại học?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nêu rõ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước trong những năm tới.
Hơn 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, giáo dục đại học đã có những bước tiến vượt bậc trong đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của xã hội. Về khách quan, do nguồn lực của nền kinh tế hiện nay của nước ta có hạn nên suất đầu tư cho mỗi sinh viên còn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Về chủ quan, hệ thống quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học chậm được đổi mới nên chưa phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học để tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng đào tạo.
Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: đổi mới giáo dục đào tạo phải được xuất phát từ khâu đổi mới công tác quản lý. Thực hiện điều này, giáo dục đại học cần có một hệ thống pháp lý vững chắc, trong đó Luật Giáo dục đại học là nền tảng.
Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được nhấn mạnh như thế nào trong dự thảo Luật, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm yếu nhất của hệ thống giáo dục đại học nước ta hiện nay là chưa khai thông được nguồn lực sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học. Thực tế, các cơ sở giáo dục đại học hiện đang hoạt động dưới cái “bóng” của cơ quan chủ quản, thiếu sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng. Vì vậy, cần có cơ chế để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học cạnh tranh phát triển.
Với giáo dục đại học nước ta hiện nay, việc giao quyền tự chủ cho các trường có ý nghĩa quan trọng chẳng khác nào chủ trương khoán trong nông nghiệp. Xã hội kỳ vọng giáo dục đại học sẽ có bước phát triển đột biến khi các trường được giao quyền tự chủ hoàn toàn. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường là tất yếu, khách quan và nó đã được thể hiện xuyên suốt các điều khoản của dự thảo Luật Giáo dục đại học.
Cho tới nay, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học đã được quy định tại nhiều văn bản pháp quy: Luật Giáo dục 2005, Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa 12 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”, Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ… nhưng việc thực thi chưa tốt do thiếu cơ chế nhất quán. Trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học được cụ thể hóa với phương châm là làm sao chủ trương quan trọng này được thực hiện nhanh chóng nhất và hiệu quả nhất khi Luật được ban hành.
Điều 28 quy định cụ thể quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học gồm: 1) tổ chức và nhân sự; 2) tài chính và tài sản; 3) hoạt động đào tạo; 4) hoạt động khoa học và công nghệ, 5) hoạt động hợp tác quốc tế và 6) bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Dự thảo Luật cũng cho phép cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Đồng thời, khi cơ sở giáo dục đại học được tự chủ hoàn toàn thì được in phôi bằng riêng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp (Điều 34). Khi đó chất lượng sinh viên tốt nghiệp gắn liền với tên tuổi của nhà trường thể hiện trên văn bằng. Đó là trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội.
Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học có thể được giao ngay và đồng loạt cho các trường trong trường hợp Luật Giáo dục đại học được ban hành không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc giao quyền tự chủ ngay lập tức ở mức độ như nhau cho các trường là hoàn toàn không khả thi trong điều kiện hiện nay. Trong thực tế, năng lực quản lý và bề dày kinh nghiệm của các trường đại học ở nước ta còn khác biệt khá xa. Tinh thần tự chịu trách nhiệm của cơ sở còn chưa tốt trong xử lý mối quan hệ giữa người học và nhà trường. Mỗi khi có sự cố, người dân hiện nay đều phải nhờ đến cơ quan quản lý nhà nước để được bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy việc giao quyền tự chủ cho các trường cần có lộ trình phụ thuộc vào một số yếu tố: 1) vị trí, vai trò, nhiệm vụ; 2) năng lực thực hiện quyền tự chủ; 3) cam kết trách nhiệm khi thực hiện quyền tự chủ và 4) kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Khi cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thì quyền tự chủ bị thu hồi; cơ sở giáo dục đại học vi phạm khi thực hiện quyền tự chủ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tuy Luật Giáo dục đại học chưa được ban hành nhưng một số cơ sở giáo dục đã được giao quyền tự chủ cao như các Đại học quốc gia, các Đại học vùng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Số lượng trường được giao quyền tự chủ sẽ được mở rộng dần cho đến khi tất cả các trường trong hệ thống được tự chủ theo qui định của Luật Giáo dục đại học.
Trong các buổi hội thảo về dự thảo Luật, có một số ý  kiến đề nghị giao ngay cho các trường quyền tự chủ tuyển sinh. Tuyển sinh chỉ là một khâu nhỏ trong cả quá trình đào tạo. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giao cho các trường trọng điểm nghiên cứu đề xuất phương án tự tuyển sinh. Nếu phương án khả thi thì có thể triển khai ngay. Việc này không có gì mới, trong quá khứ chúng ta đã làm nhưng những bất cập của nó không dễ dàng khắc phục được. Về vấn đề này, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng rất mở. Trong giai đoạn trước mắt, khi chất lượng học sinh phổ thông chưa đồng đều, chúng ta kết hợp phương án thi tuyển và xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong tương lai, khi chất lượng học sinh phổ thông được cải thiện, mạng lưới đại học được mở rộng, người học có đủ ý thức và trách nhiệm trong việc lựa chọn con đường học tập của mình, các trường chỉ cần xét tuyển và sàng lọc trong quá trình đào tạo. Thi tuyển khi đó chỉ còn áp dụng ở một số trường đại học chất lượng cao, các trường đại học nghiên cứu.
Thứ trưởng có thể dự báo tác động của các điều luật về giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học đến việc nâng cao chất lượng đào tạo?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quyền tự chủ  đi kèm với tự chịu trách nhiệm của cơ sở. Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đối với xã hội là bảo đảm chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Như vậy, nếu Luật Giáo dục quy định giá trị pháp lý của văn bằng do các trường cấp là như nhau thì trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, giá trị văn bằng được cụ thể hóa thông qua chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường. Khi được tự chủ hoàn toàn, các trường phải ra sức thi đua nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là yếu tố sống còn của trường đại học. Nếu chất lượng nhà trường không đảm bảo thì trường sẽ không thu hút được người học dẫn đến nguy cơ giải thể trường.
Kết quả tuyển sinh những năm gần đây cho thấy học sinh đã bắt đầu có sự lựa chọn và phân biệt chất lượng của các trường chứ không còn quan niệm phải học đại học bất cứ giá nào. Rất nhiều thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn đại học nhưng chọn học cao đẳng để có một nghề nghiệp vững chắc rồi tiếp tục học bậc cao hơn khi có điều kiện sau này. Đây là dấu hiệu tốt.
Khi người dân đã có trách nhiệm với chính mình trong lựa chọn con đường học tập, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của mình, sức mạnh tổng hợp của hệ thống các trường đại học sẽ được khơi thông, chất lượng đào tạo nâng cao sẽ là điều tất yếu. Đó là tác động mạnh mẽ mà xã hội chờ đợi ở Luật Giáo dục đại học.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Từ Lương
 

(Chinhphu.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)