Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giáo sư, học giả Hoàng Xuân Việt: “Cách tân nhưng không biến chất”

Tạp Chí Giáo Dục

Cách tân nhưng đừng làm biến chất truyện cổ tích! Ảnh: T.D

Xoay quanh những ý kiến tranh luận về việc phản đối hay đồng tình với truyện cổ tích Việt Nam viết lại (xem Báo Giáo Dục TP.HCM từ số báo 853), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư, học giả Hoàng Xuân Việt – người nổi tiếng với dòng sách học làm người và nguyên là Hiệu trưởng Trường Hán Nôm Học làm người Nguyễn Trãi để kết thúc loạt bài viết này.
PV: Thưa giáo sư, trên thị trường sách hiện nay có rất nhiều ấn phẩm cổ tích Việt Nam được viết lại, nội dung bị sửa đổi so với những nguyên bản đã ăn sâu trong tâm thức bao thế hệ bạn đọc, ông nhận định như thế nào trước thực trạng này?
Giáo sư, học giả Hoàng Xuân Việt: Trước hết, phải hiểu rằng truyện cổ tích vốn là một thể loại văn học dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác, không có một văn bản nhất định nên người kể lại đều có thể thêm bớt, thay đổi đôi chút cho phù hợp với hoàn cảnh, thành phần thính giả cũng như văn hóa, lịch sử, lối sống, sinh hoạt của từng dân tộc, từng vùng miền. Do vậy, chúng ta không thể cấm cản việc viết lại cổ tích nhưng viết lại như thế nào, với mục đích gì? Đặc điểm của truyện cổ tích luôn kết thúc có hậu, cái thiện được tôn vinh, luôn chiến thắng cái ác và các tuyến nhân vật phải được phân định rõ ràng. Thực trạng nhiều ấn phẩm cổ tích ngày nay được viết lại nhưng nội dung sai lệch, biến chất là một thực trạng rất đáng báo động, lên án. Không thể xây dựng hình ảnh ông bụt đẹp trai, hăng hái cầm micro dõng dạc “Vào bếp với người nổi tiếng” vì như vậy là làm lệch lạc, xâm hại đến hình tượng đấng linh thiêng. Điều này không những phá hỏng thế giới thần thánh, yếu tố thần kỳ trong truyện cổ tích mà còn xúc phạm sự tín ngưỡng, tôn thờ của con người. Cũng như không có lý do gì mà biến đổi hình tượng con chim thần trong Ăn khế trả vàng thành con chim heo phàm ăn. Biến đổi như vậy là biến chất!
Còn quan niệm “Cách tân cho hiện đại” thì sao, thưa giáo sư?

Giáo sư, học giả Hoàng Xuân Việt

Như tôi đã nói, các tác giả có quyền viết lại nhưng vấn đề ở chỗ viết như thế nào, mục đích ra sao. Cách tân như thế nào là hiện đại?
Nếu ngày xưa, truyện cổ tích được kể bởi người nông dân, khả năng văn chương hẳn không bằng thế hệ bây giờ thì tất nhiên chúng ta cũng nên cách tân để câu chuyện hay hơn, có tình tiết và giá trị văn chương cao hơn, lối kể chuyện cũng phải khác theo hướng hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc hơn. Một vài tình tiết không còn phù hợp mà người xưa vì muốn thỏa mãn mình cũng có thể cắt bỏ như chi tiết Tấm lấy xác Cám làm mắm gửi cho dì chẳng hạn…
Còn hiện đại được hiểu theo kiểu sử dụng văn phong, ngôn ngữ nhí nhố mà học sinh bây giờ hay sử dụng thì tuyệt đối không nên làm. Cách tân phải giữ được những giá trị vốn có vì cổ tích là những chuyện kể của người xưa, về ngày xưa. Câu từ do đó phải đẹp, phải phù hợp với khung cảnh xưa. Mô-típ thiện ác phải rõ ràng chứ không thể vì hiện đại mà cho rằng “thời bây giờ làm gì có người quá hiền hay có ai mà cam chịu đến mức như thế” thì không được. Khi viết lại truyện cổ tích, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đưa tình tiết bạo lực An Tiêm bắn chết con voi rừng đang líu lo múa hát, vợ An Tiêm đòi làm thịt hổ nấu cà-ri vào truyện cổ tích để làm gì ngoài việc muốn giết chết truyện cổ tích! Trẻ em như tờ giấy trắng. Nếu chúng ta xây dựng các câu chuyện, hình tượng nhân vật như thế nào thì các em sẽ đọc và nhìn nhận như thế ấy. Truyện cổ tích là những bài học làm người, bao chứa những giá trị nhất định. Đừng vì lý do lợi nhuận mà làm hỏng truyện cổ tích, như vậy là làm hỏng các em.
Xin cảm ơn giáo sư!
Tuyết Dân (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)