Một giáo sư đại học ở Nam Carolina (Mỹ) lên tiếng cảnh báo sau khi bắt gặp sinh viên sử dụng ChatGPT (chatbot trí tuệ nhân tạo mới) để viết bài luận môn triết học.
Giới học thuật lo ngại phần mềm ChatGPT sẽ làm tăng gian lận. Ảnh: Citizen.
ChatGPT do công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI phát hành và ngay lập tức được coi là mối nguy mới đối với giáo dục – vốn đã bị ảnh hưởng bởi các chiêu trò gian lận, theo New York Post.
"Giới học thuật chưa nhìn ra được những bước tiến của việc công nghệ dần chiếm chỗ con người. Chúng tôi giống như bị che mắt. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đã bắt gặp những trường hợp sử dụng ChatGPT để gian lận", ông Darren Hick, Giáo sư trợ lý ngành Triết học tại ĐH Furman (Mỹ), nói.
Đầu tháng 12, ông Hick hướng dẫn sinh viên một lớp học viết bài luận dài 500 từ về triết gia David Hume và nghịch lý của nỗi sợ. Sau đó, ông yêu cầu sinh viên viết bài luận này tại nhà và nộp lại cho giảng viên.
Tuy nhiên, trong quá trình chấm điểm, ông Hick nhận thấy một bài luận có dấu hiệu sử dụng AI để làm bài.
"Đó có thể là phong cách của sinh viên. Tuy nhiên, tôi có thể nhận ra dấu hiệu của AI. Bài làm gần như được xây dựng bởi một học sinh lớp 12 rất thông minh, thay vì sinh viên đại học", vị giáo sư trợ lý nhận xét về các câu trả lời do ChatGPT xây dựng.
Theo ông Hick, có một số từ ngữ lạ được sử dụng trong bài luận, nó không sai nhưng khác biệt. Mặc dù có luật bản quyền, vị giáo sư trợ lý cho rằng việc chứng minh bài luận được tạo ra bởi ChatGPT là điều gần như không thể.
Đầu tiên, ông Hick đẩy bài luận nghi ngờ vào phần mềm do các nhà sản xuất ChatGPT tạo ra, nhằm xác định xem văn bản đó có phải do AI tạo ra hay không. Tuy nhiên, không giống phần mềm kiểm tra đạo văn khác, phần mềm nói trên không đưa ra trích dẫn nào.
Sau đó, ông Hick cũng thử viết một bài luận bằng cách hỏi ChatGPT một loạt câu hỏi mà ông cho rằng học sinh của ông đã sử dụng. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được những câu trả lời tương tự, không có câu trả lời trùng khớp hoàn toàn bởi công cụ này tạo ra các câu trả lời được cho là duy nhất.
Cuối cùng, vị giáo sư trợ lý yêu cầu gặp trực tiếp sinh viên – người đã sử dụng ChatGPT để viết bài luận – và đánh trượt sinh viên này ở môn học đó. Người này cũng phải chịu hình thức xử lý từ hiệu trưởng nhà trường.
Ông Hick lo ngại ngày càng nhiều trường hợp gian lận bằng AI nhưng không bị phát hiện hay chứng minh gian lận được. Điều này gây khó khăn cho các giảng viên. Hiện tại, ông Hick đang áp dụng phương pháp kiểm tra miệng đột ngột các sinh viên bị nghi ngờ.
"Không khó như việc phải thuyết phục ai đấy viết luận giùm, việc sử dụng ChatGPT vừa nhanh vừa miễn phí. Điều này đáng lo ngại", ông Hick nói.
Đáng sợ hơn, ông Hick nhận định khi ChatGPT tiếp tục được cập nhật thông tin, những bất thường trong bài luận sẽ càng ít bị phát hiện.
"Đây là phần mềm được cập nhật, trong một tháng, nó sẽ 'thông minh hơn', tương tự với một năm hay nhiều năm. Bản thân tôi cảm thấy kinh hoàng với điều này, nó sẽ tác động lớn đến công việc của tôi. Tuy nhiên, nó cũng là phần mềm hấp dẫn", vị giáo sư trợ lý nói.
Theo Ngọc Bích/Zingnews
Bình luận (0)