Sáng 16-10, nhiều người thân, đồng nghiệp, nhà giáo, cựu học trò… đã xúc động tiễn đưa GS.TS Phạm Phụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Dành cả cuộc đời để không ngừng học tập, làm việc, nghiên cứu và cống hiến, người thầy giáo với dáng người nhỏ nhắn đã thực sự an nghỉ ở tuổi 85.
GS. Phạm Phụ phát biểu ý kiến tại một hội nghị giáo dục ĐH
Hình ảnh một vị giáo sư giản dị nhưng luôn say sưa, khí thế đưa ra những phản biện sắc sảo giữa nhiều hội thảo, hội nghị về giáo dục ĐH vẫn còn in đậm lại.
Góp nhiều ý tưởng đột phá cho giáo dục ĐH
GS. Phạm Phụ sinh năm 1937, quê Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngành Công trình trên sông và trạm thủy điện. Ông đã có gần 60 năm kinh nghiệm giảng dạy bậc ĐH, đồng thời là người sáng lập Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội, là thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ban quản lý dự án Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng như từng được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban Thư ký Ủy ban quốc tế Mekong.
GS. Phạm Phụ tham gia phản biện cho rất nhiều nghiên cứu khả thi, nhiều công trình trọng điểm của quốc gia, chẳng hạn như Thủy điện Sơn La… Rất nhiều công trình thủy điện từ Bắc xuống Nam và một số công trình ý nghĩa của các nước láng giềng đã có đóng góp của ông.
Không chỉ vậy, GS. Phạm Phụ còn là người đóng góp nhiều ý kiến cho Luật Giáo dục, tài chính ĐH, đào tạo theo tín chỉ, giáo dục khai phóng. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã có ý tưởng thúc đẩy việc hình thành các trường ĐH đa lĩnh vực ở Việt Nam; đề xuất ý tưởng và thực hiện việc giảng dạy các nội dung kinh tế, quản lý cho sinh viên nhóm ngành kỹ thuật thông qua một số môn học: Quản lý cho kỹ sư, kinh tế kỹ thuật, phân tích dự án…
Bước sang thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, giáo sư là người góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi nội dung giảng dạy tại các trường ĐH từ “kinh tế theo kiểu tập trung” sang “kinh tế thị trường”. Đặc biệt, GS. Phạm Phụ chính là cá nhân quan trọng nhất trong việc hình thành chương trình SAV (Swiss – AIT – Vietnam). Thông qua chương trình này, rất nhiều giảng viên của 4 trường ĐH hàng đầu của Việt Nam (Bách khoa TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân) được đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh, tiến sĩ.
Vào năm 1992, GS. Phạm Phụ đã mời GS. Ralph E. Steure (Trường ĐH Georgia) – một vị giáo sư ĐH hàng đầu của Mỹ – làm Trưởng khoa danh dự cho Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. “Vào cuối những năm 1980, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, tôi thấy cần có một khoa quản lý trong trường kỹ thuật để người học kỹ thuật không chỉ biết đơn thuần về kỹ thuật mà còn có ý thức về kinh tế quản lý cho những hoạt động của mình. Hơn thế nữa, khi quản lý gắn với kỹ thuật thì tính chất quản lý của Khoa Quản lý công nghiệp sẽ nổi trội hơn so với các khoa quản lý đơn thuần” – GS.TS Phạm Phụ từng nhấn mạnh điều này khi khởi xướng và theo đuổi ý tưởng thành lập Khoa Quản lý công nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một ý tưởng đầy mới mẻ và đột phá. Đến nay, Khoa Quản lý công nghiệp của trường ĐH này đã tạo được thương hiệu uy tín trong xã hội.
Có hơn 40 năm làm việc cùng GS. Phạm Phụ tại Khoa Thủy lợi (hiện là Khoa Kỹ thuật công trình) và sau đó ở Khoa Quản lý công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), PGS.TS Cao Hào Thi (nguyên Trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nhớ có lần GS. Phụ nói, trong lĩnh vực kỹ thuật, nếu so sánh với những chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, người ta đạt 10 điểm thì mình cũng tìm được những người đạt 9-10 điểm tương tự. Nhưng nếu nói về chuyện quản lý thì hầu như ở mảng kiến thức, người Việt Nam mình hoàn toàn… trống”. Nhận thức tầm quan trọng đó, ông Thi đã nhiệt tình tham dự ngay vào những ngày đầu tiên khi GS. Phạm Phụ khởi xướng ý tưởng mở Khoa Quản lý công nghiệp. Và sau một thời gian gián đoạn để đi học rồi trở về, ông tiếp tục tham gia giảng dạy tại khoa này.
Nhà phản biện đầy tâm huyết
Trước khi trở thành người cộng sự, ông Thi cũng từng là học trò được chính GS. Phạm Phụ giảng dạy. Trong quá trình đó, ông cho biết, bản thân đã học hỏi được ở người thầy của mình rất nhiều, từ tinh thần tự học (vì thời gian ngồi ghế nhà trường của thầy không nhiều) đến tính nhẫn nại, tinh thần cầu thị. “Thầy Phụ là một tấm gương tự học lớn, vì điều kiện hạn chế, thầy tự mày mò học ngoại ngữ cũng như nhiều lĩnh vực kiến thức khác. Mỗi lần có ý tưởng mới, thầy đều trao đổi với các thế hệ học trò để nhận sự phản biện. Những bữa ăn trưa với cộng sự và học trò, GS. Phạm Phụ thường say sưa trao đổi, bàn luận nhiều chủ đề về giáo dục ĐH, đặc biệt là tự chủ ĐH, mô hình hội đồng trường. Dường như những kiến thức, vấn đề giáo dục tìm hiểu được, thầy đều muốn chia sẻ với thế hệ kế cận” – ông Thi nói.
GS. Phạm Phụ đã được phong tặng các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng ba, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT… |
Trong giáo giới, GS. Phạm Phụ còn được biết đến với vai trò là một nhà phản biện sắc sảo về giáo dục ĐH. Các vấn đề về tự chủ ĐH, trong đó có vai trò của hội đồng trường được ông tìm hiểu, theo đuổi và đề cập mạnh tại nhiều hội nghị, hội thảo giáo dục ĐH của Việt Nam. Vấn đề này cũng được ông liên tục nêu ra tại những hội nghị lấy ý kiến về Luật Giáo dục ĐH diễn ra cách đây nhiều năm. Bởi ông cho rằng, tự chủ ĐH là thuộc tính vốn có của giáo dục ĐH, có tự chủ thì giáo dục ĐH mới phát triển được.
Từ năm 2008 trở về sau, dù đã nghỉ hưu nhưng GS. Phạm Phụ vẫn đau đáu suy tư, trăn trở về sự nghiệp giáo dục; đóng góp nhiều ý kiến về giáo dục ĐH tại Việt Nam thông qua các sự kiện hay thường xuyên phản biện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cũng như trong thời gian gặp trọng bệnh, dù giao tiếp có phần khó khăn hơn nhưng những đóng góp chất lượng của ông cho giáo dục ĐH thông qua những bài viết vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Trong quá trình làm việc, ông đã có trên 120 bài báo về giáo dục rất sâu sắc và được xã hội đánh giá cao.
Trân trọng những đóng góp của GS. Phạm Phụ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân cho rằng, thời điểm khi ông đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, GS. Phạm Phụ đã từ miền Bắc vào trường này và bắt đầu quá trình công tác. Theo đánh giá của GS. Trần Hồng Quân, sự có mặt của GS. Phạm Phụ và một số nhà khoa học thời điểm ấy rất quan trọng, đem đến những đóng góp mới mẻ, tạo ra sự chuyển biến vượt bậc cho giáo dục ĐH miền Nam.
Ông Quân cũng nhìn nhận, những năm qua, GS. Phạm Phụ với vai trò là diễn giả đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện sâu sắc tại các hội thảo, diễn đàn do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức. “Ngoài là một nhà khoa học có tiếng về thủy lợi, GS. Phạm Phụ đã có những đóng góp rất lớn trong lĩnh vực quản lý giáo dục ĐH, đã tâm huyết viết nhiều sách về những vấn đề này để lại cho thế hệ sau. Sự ra đi của GS. Phạm Phụ là mất mát rất lớn đối với nền giáo dục ĐH nước nhà” – ông Quân chia sẻ.
Mê Tâm
Bình luận (0)