Sự kiện giáo dục

Giáo sư Võ Tòng Xuân – Người hết lòng vì nông dân và sự nghiệp giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin từ Trường ĐH Nam Cần Thơ: GS.TS Võ Tòng Xuân, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ (DNC), nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, “cha đẻ” nhiều giống lúa chất lượng cao đã qua đời vào lúc 7 giờ 27 ngày 19-8-2024 tại bệnh viện ở TP.HCM, hưởng thọ 85 tuổi.

GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh: DNC

Bài viết của Tạp chí Giáo dục TP.HCM như một nén tâm nhang xin gi tới anh linh vị giáo sư – tiến sĩ mà thời gian qua, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần học tập suốt đời, sự tận tụy cống hiến cho khoa học, cho nền nông nghiệp quốc gia, quốc tế và chinh phục những đỉnh cao của tri thức.

1/ Sinh năm 1940 tại Tri Tôn, tỉnh An Giang, trong một gia đình trí thức và có truyền thống nhân nghĩa. Năm 1961, chàng thanh niên ưu tú Võ Tòng Xuân được học bổng du học tại Trường ĐH Nông nghiệp Philippines ở Los Banos. Năm 1966, tốt nghiệp ĐH với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).

GS.TS Võ Tòng Xuân (hàng dưới, thứ 4 từ trái vào), cùng các đồng chí lãnh đạo TP.Cần Thơ và các nhà khoa học ĐBSCL

Ngày 9-6-1971, với lòng yêu nước nồng nàn, người trí thức trẻ Võ Tòng Xuân tạm biệt IRRI về Việt Nam làm việc. Cuối năm 1974, ông sang Nhật bảo vệ luận án tiến sĩ. Từ Nhật Bản trở về nước, ông tích cực mang những kiến thức đã học ở nước ngoài về phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, một người thầy lớn trong công tác đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước và là “cha” của nhiều giống lúa quý của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); là nhà khoa học Việt Nam được nhận nhiều danh hiệu cao quý, phần thưởng lớn trong nước và quốc tế… GS.TS Võ Tòng Xuân cũng đồng thời trải qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó là đại biểu Quốc hội liền 3 khóa: VII, VIII, IX. Từ năm 1982-1997: Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Từ tháng 12-1999 đến 11-2007: Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang. Năm 1996-2006: Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2010 đến tháng 12-2012: Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo. Từ tháng 12-2009 đến 1-2013: Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Nam Cần Thơ (DNC). Từ tháng 1-2013 đến 10-2020: Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ. Từ tháng 11-2020 đến khi qua đời: GS. Võ Tòng Xuân là Hiệu trưởng danh dự của ĐH Nam Cần Thơ.

GS.TS Võ Tòng Xuân (hàng dưới, áo đen, thứ 3 từ phải vào) tại lễ phát bằng ĐH của DNC

2/ Là nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, GS. Võ Tòng Xuân có điều kiện để định cư tại nước ngoài, nhưng ông quyết định ở lại Việt Nam, bởi vì: Lúc đó ông từ Nhật Bản lấy bằng tiến sĩ, trở về đúng 28 ngày trước khi chấm dứt chiến tranh. Và cùng với các sinh viên, các bạn đồng nghiệp ở Trường Cao đẳng Nông nghiệp, ông và cộng sự nghiên cứu phát triển rất mạnh chương trình cây lúa mới. Động cơ để ông trở về chỉ suy nghĩ đơn giản, ông rất cần về Việt Nam để có thể đào tạo cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và cán bộ khuyến nông, giúp ĐBSCL có thể phát triển được cây lúa…

Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, GS. Võ Tòng Xuân đã cống hiến tâm huyết và trí tuệ của mình trong việc tìm ra giống lúa mới, giống lúa kháng rầy, và phát triển hạt gạo đồng bằng… Ấy là vào năm 1976, tại Tân Châu (An Giang), rầy nâu bùng phát, gây hại rất nặng trên cây lúa và có nguy cơ lan ra khắp ĐBSCL.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, giáo sư nhận thấy giống lúa lúc bấy giờ không kháng được rầy nâu. Trước tình thế cấp bách, giáo sư đã liên hệ với Viện Nghiên cứu giống lúa quốc tế (IRRI) tìm trợ giúp. Sau đó nhận được 4 giống lúa là IR 32, IR 34, RI 36 và IR 38 có thể kháng rầy nâu từ IRRI chuyển qua theo đường bưu điện. Trong đó, mỗi giống lúa được 5 gam. Có lúa giống, GS. Võ Tòng Xuân cùng các cán bộ, giảng viên trong Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ trồng thử nghiệm các giống lúa mới. Kết quả: 4 giống lúa đều kháng được rầy nâu, trong đó lúa IR 36 là trội nhất. Từ đó, giống lúa IR 36 được chọn để nhân rộng cấp tốc từ 5 gam đầu tiên lên đến hơn 2.000kg sau 2 vụ trồng.

Thời điểm đó, GS. Võ Tòng Xuân đề nghị với Ban Giám hiệu cho đóng cửa Trường ĐH Cần Thơ 2 tháng để đưa 2.000 sinh viên phụ giúp nông dân chống rầy nâu. Lúc đầu Ban Giám hiệu trường không đồng ý nhưng sau khi được giải thích tầm quan trọng của sự việc, đã chấp thuận…

Theo GS. Võ Tòng Xuân, sinh viên phải học 3 bài cơ bản về trồng lúa, gồm cách làm mạ, cách chuẩn bị đất và cách cấy lúa 1 tép 1 bụi. Sau đó, 1 nhóm từ 2-3 sinh viên mang 1kg lúa tới vùng trồng lúa có rầy nâu, bàn với ngành nông nghiệp địa phương giới thiệu với nông dân, để các em sinh viên đến ruộng cấy lúa, nhân giống. Như thế, trong vòng 2 vụ, giống lúa IR 36 đã phủ hết ĐBSCL.

Việc làm của ông lúc đó có vai trò lịch sử khi mà ngành nông nghiệp chưa phát triển ở ĐBSCL. Ông và cộng sự đã chặn đứng được trận tàn phá của rầy nâu trên cây lúa.

Từ thành công trên, đến những năm 1980, giống lúa IR36 được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Thành quả trên, kết hợp các cơ chế thông thoáng, đã giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng sau chiến tranh đồng thời đầu ra cho hạt gạo Việt Nam cũng ngày càng rộng mở.

Là đại biểu Quốc hội, giáo sư có nhiều đóng góp cũng như hiến kế cho Quốc hội để đề ra những quyết sách mang tính vĩ mô, định hướng nền nông nghiệp trong giai đoạn đổi mới. Theo giáo sư, làm nhà khoa học không thể chỉ lo về khoa học, cần phải thuyết phục các nhà lãnh đạo những gì có thể làm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Điều mà ông và các sinh viên luôn luôn nằm lòng là họ làm không vì lợi ích cá nhân, làm sao cho bà con nông dân phấn khởi để họ sản xuất.

Với trái tim luôn hướng về đồng ruộng, luôn hòa cùng nhịp đập của nông dân, GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ lý do chọn gắn bó với cây lúa và nông dân bởi bản thân ông đã chứng kiến cảnh làm ruộng vất vả của bà con nông dân và của chính người thân của mình. Do vậy làm sao để người nông dân bớt khổ, bớt vất vả là trăn trở lớn của ông. Từ “kim chỉ nam” đó, giáo sư đã đi khắp các đồng ruộng, các vùng đất đặc thù khác nhau; gặp gỡ rất nhiều nông dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm và khát vọng cho cây lúa, khát vọng cho đồng bằng cất cánh. Đồng thời ông vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ các dự án phát triển nông nghiệp ĐBSCL… Những hoạt động thiết thực đó của giáo sư và các cộng sự, đã góp phần rất lớn cho quá trình phát triển hệ thống canh tác vùng Đồng Tháp  Mười và tứ giác Long Xuyên nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Là nhà khoa học, GS.TS Võ Tòng Xuân còn là nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng ĐH đầu tiên của An Giang (Trường ĐH An Giang); đồng sáng lập và là Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ…

GS.TS Võ Tòng Xuân (bìa phải), nhận giải đặc biệt VinFuture

Ở mỗi ngôi trường ông luôn để lại dấu ấn với nhiều công trình quý báu và luôn hết lòng vì đàn em thân yêu. Ông luôn động viên, khuyến khích tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học; xây dựng môi trường học tập, sáng tạo và nghiêm túc để thầy và trò cùng lao động và cống hiến…

Đối với các bạn thanh niên, sinh viên ông thường xuyên khuyên bảo hãy quyết tâm học và học thật. Tất cả cái gì mình cũng cần học để có thể có đủ kiến thức nhận xét xem cái gì sai, cái gì đúng và cái gì cần làm. Từ đó các bạn sẽ thấy, của cải là kiến thức, tri thức, không bao giờ bị mất. Có thể mình có nhà lầu, xe hơi, đất lớn nhưng mấy thứ đó có thể tan biến mất, nhưng khi chúng ta học thật, nghiên cứu sâu, thì kiến thức vẫn lưu lại trong đầu mình; là gia tài quý nhất mà các bạn phải trân trọng…

Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2003, giáo sư là tác giả 2 quyển sách, đồng tác giả một tác phẩm khác, chủ biên 3 công trình, nhiều báo cáo khoa học; hướng dẫn công trình tốt nghiệp cho trên 150 kỹ sư nông nghiệp, 3 tiến sĩ nông học, 5 phó tiến sĩ và 12 thạc sĩ.

Ngày 13-4-2022, giáo sư được nhận “Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” do Chính phủ Nhật Bản trao tặng (Trong nhiều năm, GS. Võ Tòng Xuân đã không ngừng thúc đẩy sự giao lưu về học thuật và hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp).

Ngày 20-12-2023, giáo sư vinh dự nhận giải đặc biệt VinFuture, ghi nhận những đóng góp to lớn trong việc phát minh và phổ biến các giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

… Một vị giáo sư đáng kính, yêu nước và nhân hậu đã về trời… Tang lễ của GS.TS Võ Tòng Xuân được tổ chức tại Nhà tang lễ CLB Hưu trí TP.Cần Thơ.

Đan Phượng (tổng hợp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)