Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giao thoa kim cổ trong âm nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Một khúc ca cải lương nhưng lại có những giai điệu của pop, những đoạn rap, nhảy đương đại… khiến khán giả bất ngờ. Hàng ngàn bình luận trên các mạng xã hội bày tỏ sự thích thú

Ca khúc "Về nghe mẹ ru" qua sự kết hợp của NSND Bạch Tuyết, Hoàng Dũng, Hứa Kim Tuyền, 14 Casper đã đạt hơn 5 triệu lượt nghe trên YouTube, gần 200.000 lượt yêu thích và hơn 10.000 lượt bình luận trên nền tảng này.
Giao thoa kim cổ trong âm nhạc - Ảnh 1.

Rap kết hợp với vọng cổ, opera qua phần thể hiện của NSƯT Quế Trân và rapper Chị Cả. Ảnh: Đăng Chúc

Thành công vì "độc", lạ

Một đoạn trong bài "Về nghe mẹ ru" hiện đã trở thành xu hướng nổi bật trên TikTok, được hàng triệu tài khoản yêu thích, sử dụng. Công thức thành công của "Về nghe mẹ ru" nằm ở sự "độc", lạ. Có thể thấy việc dùng chất liệu truyền thống kết hợp với âm nhạc hiện đại là một xu hướng mới đang ăn khách.

Sau thành công của "Về nghe mẹ ru" khi hợp tác với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng, NSND Bạch Tuyết sẽ tiếp tục kết hợp với nhiều nghệ sĩ trẻ khác, thực hiện các sản phẩm kết hợp giữa cải lương với nghệ thuật hiện đại. Đây cũng là cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng. Dự án kết hợp với rapper Wowy được dự báo cũng là điểm nhấn thú vị trong thời gian sắp tới.

NSND Bạch Tuyết cho biết trong nghệ thuật, nghệ sĩ luôn phải tìm tòi sự mới mẻ. Trong khi đó, rapper Wowy lạc quan: "Tìm những cái mới cũng là tiêu chí phát triển của rap/hip hop. Và không gì là không thể trong thế giới nghệ thuật. Chúng ta có quyền sáng tạo, thể nghiệm để đưa đến những điều thú vị, khác biệt cho khán giả. Tất nhiên, mọi sự sáng tạo luôn được kiểm soát trong khuôn khổ cho phép".

Không phải đến khi "Về nghe mẹ ru" thành bản hit trên các nền tảng nhạc số, khán giả mới biết đến sự kết hợp của cải lương với âm nhạc hiện đại. Trước đó, tiết mục "Cô gái bán sầu riêng" kết hợp giữa một số câu vọng cổ cùng nhạc trữ tình quê hương và rap qua phần thể hiện của NSƯT Quế Trân và rapper Chị Cả trên sân khấu King of Rap cũng tạo "cơn sốt" với khán giả bởi sự "độc", lạ.

Trong "See tình" ra mắt hồi đầu năm, nhóm DTAP cũng đưa âm nhạc ngũ cung, vọng cổ vào một phần trong ca khúc để tạo điểm nhấn. Ca khúc "Quan trọng là mình có nhau" của VP Bá Vương trong chương trình Thần tượng đối đầu thần tượng cũng sử dụng một đoạn cải lương trong "Thái hậu Dương Vân Nga", biến tấu đôi chút về giai điệu, trước khi bước vào phần rap chính. Teen rap Việt cũng sử dụng chất liệu vọng cổ để tạo nên sự mới mẻ, xen kẽ vào phần rap của Freaky…

"Sự kết hợp giữa vọng cổ và rap là trải nghiệm mới, màu sắc mới, thể hiện sự biến hóa không chỉ đối với rap mà còn với bộ môn nghệ thuật cải lương… Nếu có những sự kết hợp phù hợp, rap hoàn toàn dễ nghe, có thể trở thành món ăn mới lạ với khán giả yêu thích cải lương" – NSƯT Quế Trân nhận định.

Giao thoa kim cổ trong âm nhạc - Ảnh 2.

NSND Bạch Tuyết kết hợp với ca sĩ Hoàng Dũng trong “Về nghe mẹ ru”. Ảnh: Đăng Chúc

Sự kết hợp phải có chiều sâu

Hiện nay, sự đón nhận cái mới của khán giả có phần dễ dàng hơn so với thời điểm trước đây. Những sản phẩm âm nhạc kết hợp chất liệu âm nhạc truyền thống với hiện đại, được khán giả trẻ đón nhận như một thể nghiệm thú vị.

Thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại cũng hỗ trợ nhiều cho việc sản xuất. Có thể kể như nhạc điện tử trong "Xẩm Hà Nội" của Hà Myo, hay xẩm kết hợp cello (đàn vĩ cầm) trong "Công cha ngãi mẹ sinh thành" của ca sĩ Tân Nhàn (Phó trưởng Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Quân AP kết hợp giữa quan họ Bắc Ninh và rap, nhạc EDM trong "Giao duyên – Ngồi tựa mạn thuyền", trình diễn trong chương trình "Thần tượng đối đầu thần tượng" cũng tạo được ấn tượng với khán giả.

Trong phần âm nhạc của "Công cha ngãi mẹ sinh thành", người nghe sẽ cảm nhận rất rõ không gian nhạc ngũ cung đặc trưng của âm nhạc truyền thống, cùng với đó là những nét thú vị như tiếng mõ tụng kinh phảng phất không khí Phật giáo, sắc màu văn hóa phương Đông hòa quyện với âm nhạc giao hưởng phương Tây, cảm nhận được nét nhạc của nhà soạn nhạc J.S.Bach và A.Vivaldi.

Phần phối khí được nhạc sĩ, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh kết hợp dấu ấn văn hóa tôn giáo Đông – Tây, gợi cho người nghe những chiều kích âm nhạc khác nhau và có thể lay động tâm hồn con người…

Bên cạnh sự khen ngợi cũng có những bình luận ngờ vực. Có ý kiến cho rằng sự kết hợp cải lương với rap/hip hop phần nào gượng gạo. Sự phản ứng của khán giả với ca khúc "Vọng cổ teen" của Trần Anh Khôi (ra mắt hơn 10 năm trước) cũng là ví dụ điển hình cho hình thức kết hợp vọng cổ với nhạc hiện đại này.

Nhóm DTAP (tác giả "See tình") bày tỏ: "Khi thực hiện những thể nghiệm này cần phải chăm chút để tạo ra sản phẩm phù hợp. Nguồn chất liệu rất phong phú nhưng không phải mọi sự kết hợp đều có thể mang đến hiệu ứng tốt. Sự kết hợp phải có chiều sâu mới đủ thuyết phục công chúng".

NSND Triệu Trung Kiên hy vọng: “Bằng nhiều cách làm phù hợp trong tương lai sẽ có thêm nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trẻ tham gia, lựa chọn chất liệu nghệ thuật truyền thống để đưa vào đời sống âm nhạc, nghệ thuật hiện đại. Bởi “chính họ mới là người hiểu thế hệ họ nhất”. Từ đó mới dễ tạo ra những tác phẩm có sức sống, đi sâu vào tâm trí khán giả”.
Theo Thùy Trang/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)