Cuộc thi Giao thông học đường lần thứ 4 năm học 2018-2019 vừa được phát động tại Hà Nội vào ngày 10-1-2018. Cuộc thi do Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục CSGT phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức cho HS THCS và THPT trên toàn quốc.
Cuộc thi Giao thông học đường ngày càng thu hút đông đảo HS tham gia
Khởi động từ cuộc thi cấp trường
Ông Uông Việt Dũng (Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, Trưởng ban tổ chức) cho biết, Cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ 4 năm học 2018-2019 vừa được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ nay đến tháng 5-2019 với 3 vòng thi. Trong đó, vòng thi cấp trường được tổ chức từ ngày 7-1 đến ngày 29-3, vòng thi cấp tỉnh từ ngày 15-4 đến ngày 24-4 và vòng chung kết toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 5-2019. Ông Dũng khẳng định: “Mục đích của Cuộc thi Giao thông học đường nhằm góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho HS khi tham gia giao thông. Qua đó giúp các em tiếp cận với các kiến thức về ATGT một cách gần gũi, tự nhiên theo hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn. Đồng thời đây cũng là dịp để HS tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe mô tô hạng A1”.
Cũng như những năm trước, Cuộc thi Giao thông học đường lần thứ 4 được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm trên internet. Đề thi được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú. Trong đó có hơn 1.000 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 600 câu hỏi về văn hóa giao thông và gần 200 câu hỏi tình huống dạng video 3 D sinh động, giúp người thi dễ hình dung các tình huống giao thông từ thực tế. Đặc biệt bộ câu hỏi được thẩm định nghiêm ngặt bởi Vụ Pháp chế Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành và bám sát bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1. Nhờ vậy, tham gia cuộc thi này các em HS sẽ được tiếp cận nguồn kiến thức bổ ích, nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm và những kỹ năng phòng tránh TNGT, cũng như văn hóa tham gia giao thông văn minh.
Để tạo hứng thú cho HS, cuộc thi năm nay có sự đổi mới trong hình thức và cách thi. Thay vì 35 câu hỏi như năm ngoái, phần thi năm nay chỉ có 30 câu hỏi với thời gian thi 15 phút. Đặc biệt thí sinh có thể chủ động trả lời câu hỏi tùy ý bằng cách bấm nút “câu tiếp theo” (không cần thi theo thứ tự). Sau 4 tuần thi, mỗi trường sẽ chọn 1 thí sinh có số điểm cao nhất để tham gia vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Trong trường hợp có điểm thi bằng nhau, ban tổ chức sẽ xét tiêu chí thời gian hoàn thành bài thi, thí sinh nào có thời gian hoàn thành bài thi nhanh hơn sẽ được xếp thứ hạng cao hơn. Từ kết quả của vòng thi này, mỗi tỉnh/thành sẽ cử 1 thí sinh đạt giải nhất để tham gia vòng thi chung kết toàn quốc. Riêng 5 tỉnh thành có số lượng HS tham gia đông nhất sẽ được chọn 2 thí sinh vào vòng toàn quốc. Để khích lệ các em HS phát huy tinh thần học tập, sáng tạo, ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các cá nhân và tập thể với tổng giá trị giải thưởng 350 triệu đồng.
Ngày càng thu hút
Theo ông Bùi Văn Linh (Phó Vụ trưởng – Vụ Giáo dục chính trị và công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT) thì Cuộc thi “Giao thông học đường” được tổ chức hàng năm là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong môi trường học đường. Nhờ vậy cuộc thi này ngày càng thu hút đông đảo HS tham gia. Bằng chứng là năm đầu tiên chỉ có 200.000 HS tham gia, năm thứ 2 tăng lên 600.000 và năm thứ 3 đạt hơn 1 triệu thí sinh tham gia (tăng gấp 5 lần so với năm đầu tiên).
Với tổng trị giá giải thưởng 350 triệu đồng, ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho cả 3 vòng thi. Đối với vòng thi cấp trường, mỗi tuần thi ban tổ chức sẽ trao 3 giải/khối (300.000 đồng/giải). Vòng thi cấp tỉnh/thành phố, ở mỗi bậc học, sẽ có 1 giải nhất (1 triệu đồng/giải), 1 giải nhì (500.000 đồng/giải), 1 giải ba (300.000 đồng/giải). Vòng thi toàn quốc gồm 1 giải đặc biệt (10 triệu đồng), 2 giải nhất (5 triệu đồng/giải), 3 giải nhì (3 triệu đồng/giải) và 5 giải ba (2 triệu đồng/giải). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 20 giải tập thể đồng hạng (1 triệu đồng/giải) cho sở GD-ĐT các tỉnh thành hoặc những trường có kết quả triển khai cuộc thi hiệu quả. |
Đánh giá cao ý nghĩa của Cuộc thi Giao thông học đường, ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia) khẳng định, bên cạnh công tác tuyên truyền, thì các cuộc thi về ATGT là rất cần thiết nhằm giúp HS nói riêng và người tham gia giao thông nói chung tiếp cận, củng cố kỹ năng tham gia giao thông và vun bồi văn hóa tham gia giao thông an toàn. Theo ông Hùng: “Công tác tuyên truyền là một quá trình liên tục và cần được triển khai giáo dục qua nhiều thế hệ, cho HS-SV và cả cộng đồng. Văn hóa giao thông an toàn quan trọng cho tất cả mọi người, kể cả những người có liên quan đến ATGT, chứ không chỉ đối với người trực tiếp tham gia giao thông trên đường”.
Đinh Vũ
Bình luận (0)