Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông những ngày sau Tết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giao thông ùn tắc do lượng xe từ các tỉnh miền Tây đổ về TP.HCM rất nhiều
Mùng 4 đến mùng 6 Tết âm lịch được xem là cao điểm xảy ra ùn tắc giao thông do người dân đổ về các thành phố lớn để tiếp tục công việc sau thời gian nghỉ Tết. Nạn “chặt chém” hành khách với các dịch vụ phục vụ những nhu cầu thiết yếu cũng vì thế mà “leo thang”. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận rằng thời điểm Tết cũng là lúc người dân nghèo có cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Tai nạn, ùn tắc ở nhiều nơi
Bên cạnh nỗi đau, thiệt hại về tính mạng và tài sản, thì tình trạng ùn tắc khắp cả nước trong dịp Tết cũng là điều đáng lưu tâm. Trong khoảng thời gian từ mùng 4 đến mùng 6 Tết, lưu lượng xe từ các tỉnh miền Tây ào ạt đổ về TP.HCM và các tỉnh miền Đông gây ùn tắc nhiều giờ đồng hồ tại hai điểm lớn là phà Vàm Cống (nối liền giữa Đồng Tháp và thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), gây kẹt xe hơn 10km tại khu vực cầu An Hữu (nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang). Riêng phà Vàm Cống, ở đầu bờ tỉnh An Giang lượng xe lưu thông quá tải nặng nên hàng loạt xe phải xếp hàng dài gây kẹt ứ trên quốc lộ 91. Ban quản lý phà Vàm Cống đã tăng cường hết nội lực mình có với 7 phà 200 tấn và 2 phà 100 tấn nhưng vẫn không đáp ứng đủ lượng khách lưu thông theo hướng này. Chỉ tính riêng trong ngày mùng 4 Tết, phà đã vận chuyển 6.500 xe khách, xe ô tô và 35.000 xe mô tô lưu thông.
Chủ xe khách Thành Nghiệp, chuyên vận chuyển khách tuyến Sài Gòn – Rạch Giá cho hay: “Việc ùn tắc giao thông nhiều ngày trước và sau Tết gây hao tốn nhiên liệu và công sức là điều mà nhà xe phải chấp nhận, miễn sao đảm bảo đưa đón khách đi về được an toàn”. Kinh doanh hơn 10 năm trong ngành xe khách, anh Nghiệp cũng cho rằng “ngày Tết hay ngày thường doanh nghiệp cũng cần làm ăn giữ uy tín, đảm bảo tăng giá vé theo quy định của Nhà nước, lưu thông với tốc độ an toàn và phục vụ hành khách chu đáo, chưa kể bây giờ các dịch vụ xe chất lượng cao nhiều, nên mình là xe nhỏ, phải làm sao để giữ chân khách để họ gắn bó với mình lâu dài”.
So với miền Tây, các cửa ngõ vào TP.HCM hướng từ Đồng Nai trở vào cũng ùn tắc do lưu lượng xe đông đúc từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và các tỉnh miền Đông đổ về, tuy nhiên tình trạng  ùn tắc không kéo dài nghiêm trọng như các điểm phà Vàm Cống và cầu An Hữu. “Trước đây, mỗi buổi chiều chở khách về tới địa phận Đồng Nai vào giờ cao điểm kẹt xe là thấy mình như phải chịu cực hình. Tình trạng ùn tắc nay không nghiêm trọng như trước một phần do đường sá đã được cải thiện nhiều và hệ thống cầu vượt trong thành phố cũng phần nào kéo giảm thực trạng trên. Điều này khiến đám tài xế chúng tôi phấn khởi lắm”, một tài xế nhà tuyến Sài Gòn – Đà Lạt cho hay.
Trong dịp Tết này, anh Nguyễn Minh Hoàng sau 6 năm dành dụm cưới vợ mới đưa được vợ con về ra mắt họ hàng. Anh Hoàng kể gia đình nhỏ của anh phải dãi nắng cả buổi sáng ở quốc lộ 1A mới đón được xe đến Hà Nội với giá vé 350.000 đồng/vé và từ Hà Nội về TP.HCM là 1,7 triệu đồng/vé, cao gấp đôi giá vé ngày thường. “May là mình có con nhỏ nên xe họ ưu tiên cho đi, lúc tôi đón được xe là hơn 10 giờ sáng hôm mùng 6 Tết mà vẫn còn nhiều người chưa có xe đi, thật là khốn khổ, vào Nam không kịp thì mất việc như chơi”. Người công nhân may giày da cho một công ty xuất nhập khẩu ở Thủ Đức cho hay chính anh đã chứng kiến cảnh hàng ngàn lượt xe đổ về thủ đô Hà Nội sau đợt nghỉ Tết làm cho đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (đoạn từ cầu vượt Thường Tín đến ngã ba Pháp Vân) bị kẹt cứng nghiêm trọng trong nhiều giờ liền khiến nhiều hành khách và cánh tài xế phải chui ra khỏi xe cho đỡ ngột ngạt trong khi chờ đợi để tiếp tục cuộc hành trình.
Vận chuyển thô sơ được mùa
Người dân lưu thông dịp Tết cho dù lâu nay có bức xúc trước nạn kẹt xe hay việc tăng giá các dịch vụ nhưng riết rồi cũng thành quen với giá cao ngất ngưởng của một tô phở ngày Tết có giá 40.000-50.000 đồng, một miếng vá xe 30.000 đồng, một chai nước ngọt giá 25.000-30.000 đồng trong khi ngày thường chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng. Tuy nhiên, bên cạnh “những người cơ hội”, thì cũng có những người lao động nghèo chỉ mong dịp Tết đến để kiếm được thu nhập nhiều hơn nhờ những chuyến xe chở hàng tăng hơn ngày thường.
Ông Minh, 77 tuổi cho hay 30 năm qua ông sống bằng nghề đẩy hàng hóa cho khách ở Bến xe Miền Đông. Mỗi ngày trong dịp Tết ông chở nhiều hàng cho khách nên kiếm được hơn 300.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ được hơn 100.000 đồng. “Ngày Tết thích lắm cô ơi, có nhiều hàng cho mình chở nên mình làm mà không biết mệt. Ai bảo tôi dại thì tôi chịu chứ tôi cũng chỉ lấy giá bằng với ngày thường. Mình khó khăn thì người ta cũng khó khăn chứ. Thôi kệ mình làm như vậy rồi ông trời phù hộ cho mình có sức khỏe để làm việc và sống với con cháu”, ông Minh bộc bạch.
Là một trong 5 người phụ nữ chạy xe ôm ở Bến xe Miền Đông, chị Trang cũng tranh thủ dịp Tết để kiếm tiền lo cho hai đứa con học hành: “Chỉ có mấy ngày Tết là mình có nhiều khách thôi, nên phải tranh thủ chạy, có khi quên ăn uống luôn, chạy bù cho những ngày thường ế ẩm”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong thời gian nghỉ Tết Giáp Ngọ, cả nước xảy ra 338 vụ tai nạn, làm chết 286 người và bị thương 324 người. Phần lớn là tai nạn xe máy ở nông thôn. Nguyên nhân tai nạn gia tăng do người dân uống rượu, bia lưu thông bằng xe máy, không đội mũ bảo hiểm và xảy ra va chạm tại các tuyến đường liên huyện. Ngoài ra, tình trạng thanh niên chở 3-4 khi say xỉn cũng là nguyên nhân phổ biến gây tai nạn.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)