Bằng lăng kính của điện ảnh, nhiều phim ngắn của các bạn sinh viên (SV) trong cuộc thi “Giao thông dưới góc nhìn SV” do Thành đoàn TP.HCM và Hãng phim Trẻ tổ chức đã gửi đi nhiều thông điệp cho mọi người để văn hóa giao thông trên mỗi chặng đường đi ngày một hoàn thiện hơn.
Nhóm sinh viên làm phim Thông điệp giao thông |
Ấn tượng từ những thước phim
Mặc dù trước khi bắt tay vào làm sản phẩm các nhóm làm phim đều được Ban tổ chức của hãng phim cho đi học cấp tốc một lớp “tập huấn” hướng dẫn nghệ thuật làm clip và phim ngắn nhưng hầu hết các bạn vẫn chưa thoát qua tình trạng i tờ về các công đoạn làm phim lạ lẫm. Chính niềm đam mê và sự động viên và ủng hộ nhiệt tình từ lớp và khoa sau đó đã là chất xúc tác mạnh mẽ để “dự án” bắt đầu được khởi động. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, với vai trò “thủ lĩnh” Phạm Gia Quốc Thống – SV năm cuối Khoa CNTT của trường đã lên kế hoạch thật chi tiết để thai nghén bộ phim Thông điệp giao thông. Với sự hợp sức của các thành viên trong lớp, khâu kịch bản sau đó cũng được hoàn thiện. “Nói là kịch bản nhưng nội dung bộ phim là những tình huống của người tham gia giao thông mà chúng em đã từng bắt gặp đâu đó trên đường đi. Tất cả được xâu chuỗi lại một cách khéo léo để tạo nên được mạch nối cho câu chuyện hoàn chỉnh” – “Nhà sản xuất phim” Quốc Thống nhớ lại. Chính vì vậy khi được công chiếu trước Ban giám khảo thì những tình huống đó đã trở thành “anh em thân thiết” với nhau vì chung một chủ đề tư tưởng. Tác giả Đỗ Mạnh Hùng – bạn cùng khoa chia sẻ thêm: “Lúc đầu chỉ là một vài tình huống đơn giản như người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, va quẹt nhẹ với nhau nhưng sau đó nhóm bàn tính đưa ra các tình huống khác mà mức độ nguy hiểm cao hơn như dùng điện thoại khi chạy xe, chạy quá tốc độ, uống rượu bia khi tham gia giao thông…”.
Xây dựng ý thức và văn hóa giao thông
Như ý tưởng sáng tạo của nhóm, phần kết của tình huống này là phần mở đầu cho sự kiện sau nên tất cả đã được xâu chuỗi thành một vòng tròn khép kín về kết cấu tác phẩm điện ảnh. Những sự việc mắt thấy tai nghe hàng ngày đó được đẩy thành cao trào khi các “nhà làm phim” gắn vào những tình huống ứng xử bi hài của người tham gia giao thông. Thay vì xin lỗi thì những người trong cuộc lại cự cãi và lý sự với nhau mặc dù biết mình sai khi vô tình đụng vào người khác. Đó cũng là cuộc khẩu chiến khi một người nhắc nhở người khác chạy ngược chiều hay vượt đèn đỏ. Sang đường một cách vô tư không nhìn trước ngó sau khi có sự cố thì lại đổ thừa cho người khác. Dù thực tế các câu chuyện vẫn diễn ra thường ngày và có người cho đó là bình thường nhưng khi được đưa lên màn ảnh nhỏ thì mới thấy sự phản cảm cao độ của nó. Chắc sẽ có người xấu hổ khi coi phim các bạn SV vì cảm thấy mình đã có lúc mắc lỗi. Đó cũng là hiệu ứng của phim ngắn Cuộc đời là những chuyến đi của nhóm làm phim Lê Hoàng Mến – SV của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Thông qua câu chuyện phim đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều trăn trở nghĩ suy của những hình ảnh chướng tai gai mắt khi người tham gia giao thông vô tư phạm lỗi coi đó là thói quen khó mà sửa được. Những tai nạn giao thông rình rập chính là lời cảnh báo không hề muộn đối với những ai coi thường Luật Giao thông, thiếu tôn trọng văn hóa giao thông trên đường đi. Thật buồn lòng vì một chút sân si mà mọi người không biết nhường nhịn nhau để hứng chịu những hậu quả thiếu văn hóa.
Qua các góc nhìn cận cảnh, cuộc thi không chỉ đưa ra những giải pháp thiết thực về vấn đề giao thông để giáo dục văn hóa giao thông cho giới trẻ mà còn tạo ra sân chơi chuyên nghiệp lành mạnh, hứng thú cho các bạn SV có ước mơ trở thành những nhà làm phim chuyên nghiệp trong tương lai như lòng mong mỏi của Ban tổ chức. |
Vượt qua hàng trăm tác phẩm, phim ngắn Chờ do các bạn SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM dựng dù mang tựa đề cực ngắn nhưng ẩn chứa câu chuyện văn hóa giao thông sâu sắc trong mỗi thước phim. Nhân vật chính là một chàng trai vốn từng bị tai nạn giao thông nằm bên đường xin cầu cứu nhưng ai cũng bỏ qua vì sự vô cảm. Có lẽ nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của chàng trai đã bào mòn đi niềm tin đối với người xung quanh. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Thông qua sự đầu tư công phu của cả nhóm tình huống được đẩy lên cao trào khi hoàn cảnh ngoài ý muốn được lặp lại một cách trùng hợp ngẫu nhiên. Chàng trai gặp một thanh niên khác bị tai nạn nằm bên đường do người vượt đèn đỏ tông vào. Từng hiểu rõ hoàn cảnh bị bỏ rơi do sự vô cảm của mọi người, nên chàng trai đã ra tay nghĩa hiệp cứu giúp người bạn đường không quen biết. Rõ ràng nếu mang trong lòng sự thù hận thì chắc không bao giờ anh ta có sự đồng cảm như vậy. Rõ ràng văn hóa giao thông được “nâng cấp” hay không tất cả đều tùy thuộc vào con người mà ý thức chính là “lá bùa hộ mệnh” cần thiết nhất.
Với vai trò là người hướng dẫn và đã tham gia đóng phim, thầy Tô Minh Nhựt – GV Khoa CNTT Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM là người có nhiều công trong việc “hướng đạo” cho các bạn SV làm những bộ phim ngắn dự thi chia sẻ: “Dù chỉ là tay ngang nhưng các bạn SV đã tự mày mò một cách độc lập hầu như không có ai giúp đỡ. Để có được thành công đó ngoài sự đam mê các em còn có phong cách làm việc theo nhóm tích cực, đoàn kết và luôn giúp đỡ hỗ trợ cho nhau”.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)