Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông Tết Nguyên đán: 6 tỉnh không xảy ra vụ TNGT nào

Tạp Chí Giáo Dục

Tết năm nay, trên phạm vi toàn quốc có 6 tỉnh không xảy ra bất kỳ vụ TNGT nào  là Bắc Ninh, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai.

Đường ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất luôn đảm bảo thông thoáng khi người dân trở lại TP sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

TP.HCM: Tăng cường xử phạt “ma men” khi tham gia giao thông

TP.HCM không xảy ra TNGT gây thương vong về người. Đó là tin vui từ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt – Công an TP.HCM sau khi kết thúc đợt cao điểm phục vụ giao thông Tết Nguyên đán vừa qua. Bên cạnh đó, tình hình giao thông sau Tết ở Sân bay Tân Sơn Nhất cũng được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra ùn tắc.

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong (Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM), trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, đơn vị đã thực hiện xuyên suốt 3 đợt cao điểm trước, trong và sau Tết về tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP. Đồng thời, Phòng CSGT cũng chú trọng tuyên truyền vấn đề đảm bảo trật tự ATGT khi du xuân, hướng dẫn các lộ trình giao thông ở khu vực trung tâm TP, khu vực đường hoa và đường sách cho người dân và mở những chuyên đề về xử phạt “ma men” khi tham gia giao thông trong dịp này.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, toàn quốc đã xảy ra 368 vụ TNGT, làm chết 203 người, 417 người bị thương. Trong đó, các địa phương có số người tử vong do TNGT tăng là: Đồng Tháp, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hòa Bình, Yên Bái và Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, có 6 tỉnh không xảy ra TNGT là Bắc Ninh, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai.

Nhờ nỗ lực tăng cường 100% lực lượng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT của CSGT, nên địa bàn TP trong dịp Tết này tuyệt đối không xảy ra vụ TNGT nào gây thương vong về người. Điểm đáng mừng nữa là tình hình giao thông khu vực ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là ở những cung đường vốn “nóng” về ùn tắc như đường Trường Sơn, Hồng Hà, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ… đều đảm bảo thông thoáng. Kể cả vào những ngày cao điểm là mùng 5 và mùng 6 Tết, khi người dân đồng loạt trở lại TP với tần suất gần 800 chuyến bay đi đến mỗi ngày, đều không xảy ra bất kỳ sự cố nào về giao thông ở trong cũng như ngoài sân bay. Được như vậy là nhờ có lực lượng chức năng chủ động bố trí hợp lý các luồng xe taxi, xe buýt giúp hành khách đón xe về nhà một cách thuận tiện và trật tự. Do đó, mật độ giao thông ở khu vực sân bay không gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông chung ở các tuyến đường lân cận.

Toàn quốc: Hơn 600 người thương vong do TNGT

Chiến sĩ Đức Thuận, thuộc Phòng Tuyên truyền của Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, số liệu thống kê trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 26-1 đến 1-2-2017) cho thấy, toàn quốc đã xảy ra 368 vụ TNGT, làm chết 203 người, 417 người bị thương. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, TNGT dịp Tết năm nay tăng cả 3 tiêu chí về số vụ (tăng 29,5%), số người chết (tăng 11,5%) và số người bị thương (tăng 48%). Trong đó, các địa phương có số người tử vong do TNGT tăng là Đồng Tháp, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hòa Bình, Yên Bái và Vĩnh Phúc. 

Nguyên nhân TNGT được xác định là do các lỗi vi phạm như sử dụng rượu bia (nhất là ở các vùng nông thôn), lưu thông quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chạy sai làn đường quy định, không chấp hành các tín hiệu giao thông… Theo đó, lực lượng chức năng đã xử lý 17.636 trường hợp vi phạm, tạm giữ 184 xe ô tô và 3.782 xe mô tô, tước 783 giấy phép lái xe, nộp Kho bạc Nhà nước 6,877 tỷ đồng. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các lỗi vi phạm tăng 2.910 trường hợp (19,7%), số tiền nộp phạt tăng 721 triệu đồng.

Trong giai đoạn từ nay đến hết quý I năm 2017, nhằm đảm bảo cho sự an toàn của người dân khi tham gia các lễ hội xuân diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước, Ủy ban ATGT quốc gia  đã phát đi công điện chỉ đạo ban ATGT các tỉnh, TP tiếp tục phối hợp với UBND địa phương (nơi diễn ra các lễ hội) tăng cường chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến kết nối đến khu vực lễ hội và địa bàn diễn ra lễ hội, đồng thời tăng cường năng lực vận tải đường bộ cũng như đường thủy nhằm đảm bảo an toàn lưu thông cho người dân du xuân. Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT quốc gia cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền những quy định về ATGT đường sắt, rà soát hệ thống đường ngang đường sắt, sử dụng lịch trình chạy tàu do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp để tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang có người qua lại thường xuyên, kể cả đường ngang dân sinh.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Bình luận (0)