Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông TP.HCM 2017: Hứa hẹn nhiều khởi sắc

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những ngày đầu năm, TP.HCM đã tiến hành thông xe nhánh cầu bên phải của cầu vượt Gò Mây, đưa vào sử dụng thí điểm xe buýt điện nhằm giảm ô nhiễm môi trường, khởi công xây cầu vượt nối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm. Cũng trong năm nay, TP sẽ tiếp tục tiến hành xây mới Bến xe Miền Đông – Miền Tây và hàng loạt dự án khác, nhằm góp phần kiến tạo giao thông TP ngày càng hoàn thiện và hiện đại.

Xây Bến xe Miền Đông, Miền Tây mới

Bến xe Miền Tây sẽ được xây mới tại Bình Chánh nhằm kéo giảm ùn tắc cho nội thành

Mới đây, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH một thành viên (Samco) đã khởi động gói thầu số 1 dự án xây dựng Bến xe Miền Đông mới, với tổng kinh phí 4.000 tỷ đồng, tại phường Long Bình (quận 9). Việc xây bến xe mới ở khu vực cửa ngõ phía Đông TP, thay cho bến xe cũ ở quận Bình Thạnh sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc trong khu vực nội thành.

Theo thiết kế, Bến xe Miền Đông mới sẽ được xây dựng với tổng diện tích hơn 16ha (12,3ha nằm trên địa bàn quận 9 và 3,7ha thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), có công suất phục vụ khoảng 7 triệu lượt hành khách đến các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc. Với quy mô này, bến xe có thể đáp ứng khoảng 20.000 hành khách mỗi ngày và đặc biệt vào những ngày cao điểm lễ Tết có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của 50.000 hành khách/ngày.

Để việc phục vụ hành khách được chu đáo, bến xe mới sẽ có trung tâm thương mại, khu phức hợp mua sắm, vui chơi giải trí và nhà hàng khách sạn. Đồng thời kết nối với các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Do đó, hành khách từ các tỉnh đến bến xe có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm hoặc đi về các quận huyện vùng ven, cũng như có thể đi Bình Dương, Đồng Nai…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong một cuộc họp mới đây đã yêu cầu Samco đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Bến xe Miền Đông mới ngay trong năm nay và đầu tư mặt bằng Bến xe Miền Đông hiện hữu thành bến xe buýt TP. Ông Lê Văn Pha (Phó Tổng giám đốc Samco) khẳng định, các đơn vị thi công sẽ nỗ lực hoàn thành công trình này vào cuối năm.

Tương tự, Bến xe Miền Tây cũng sẽ được xây mới tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với diện tích 17ha, tổng kinh phí 900 tỷ đồng. Theo dự kiến, Bến xe Miền Tây mới có thể phục vụ 50.000 lượt hành khách/ngày và 2.500 lượt xe xuất bến/ngày. Hiện Công ty Samco đã cùng các sở ngành lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đồ án xây dựng Bến xe Miền Tây mới. Đồng thời đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án này và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 4 năm nay. Công tác bồi thường giải tỏa mặt bằng cũng sẽ hoàn thành trong quý 3-2017.

Được biết, Bến xe Miền Tây mới sẽ được tổ chức không gian theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) gắn với công trình tổ hợp khách sạn, trung tâm mua sắm, văn phòng… Bến xe mới cũng kết nối với tuyến metro số 3a Bến Thành (quận 1) – ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Monorail số 2 quốc lộ 50 (quận 8) – Nguyễn Văn Linh – Trần Não – Xuân Thủy (quận 2) – khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (Bình Thạnh), xe buýt nhanh – BRT…

Tuyến xe buýt điện thân thiện với môi trường

Xe buýt điện góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực nội thành và bảo vệ môi trường

Đây là tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP, được Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng – Sở GTVT TP.HCM đưa vào khai thác từ ngày 24-1 nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ùn tắc đô thị. Hiện có 2 tuyến xe buýt điện (không trợ giá) được đưa vào khai thác là tuyến khu vực trung tâm TP (do Tập đoàn Mai Linh thực hiện) và tuyến xe buýt điện Khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7 (do Công ty Trách nhiệm hữu hạn quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh đảm nhận).

Tài xế Vũ Ngọc Quốc Long, phụ trách xe buýt điện biển số 51HC-000.09 cho biết, tuyến xe buýt điện trung tâm TP hiện có 5 chiếc. Cứ 30 phút lại có một chuyến xuất bến từ bến xe Công viên 23-9. Phương tiện là loại xe 14 chỗ ngồi, hoạt động từ 5 đến 22 giờ mỗi ngày, với tổng số chuyến mỗi ngày là 70 chuyến. Giá vé toàn tuyến là 12.000 đồng/vé, giá vé lẻ đi 4 giờ liên tục trong ngày cho 1 khách là 40.000 đồng/vé, giá thuê bao cả tuyến là 100.000 đồng/chuyến/xe. 

Anh Long cho biết: “Trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán, khách đi xe buýt điện để ngắm TP lúc nào cũng đông nghẹt. Còn hiện nay thì hơi vắng khách, nguyên nhân do người dân chưa biết nhiều đến dịch vụ này. Trong khi xe buýt điện chạy tuyến cố định, cũng dừng đón trả khách chung với hệ thống nhà chờ xe buýt, nhưng người dân cứ nghĩ xe buýt điện chỉ phục vụ cho nhu cầu du lịch, khi lên xe sẽ được chở đi lòng vòng TP nên họ còn e ngại”.

Xe qua trạm thu phí sẽ không phải dừng

Xe qua trạm thu phí sẽ không phải dừng nhờ có thẻ E-Tag

Đây là một trong những điểm mới sẽ được triển khai tại TP.HCM trong thời gian sắp tới. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, 30 trạm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, miền Đông, miền Tây Nam bộ sẽ thực hiện dán thẻ định danh xe (còn gọi là thẻ E-Tag) để thu phí tự động qua trạm.

Được biết, Bộ GTVT đã chọn loại công nghệ đọc thẻ E-Tag bằng sóng radio (của Tổng công ty thu phí tự động đường bộ VETC) để đồng bộ hóa việc gắn thẻ, đọc thẻ và thu phí trên tất cả các trạm thu phí trong cả nước, kể cả hệ thống trạm thu cho ngân sách và trạm BOT. Do đó, mỗi phương tiện chỉ cần được gắn thẻ này là có thể qua được tất cả các trạm thu phí trong suốt quá trình lưu thông.

Tiện ích này không chỉ giúp cho các phương tiện không phải mất thời gian dừng chờ để trả tiền mặt mỗi khi qua trạm thu phí, mà còn góp phần kéo giảm ùn tắc cho khu vực có trạm thu phí ở các tỉnh thành, nhất là đối với các đô thị, các TP lớn.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)