Đường giao thông hiện đại góp phần thúc đẩy kinh tế TP ngày càng phát triển |
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ngành GTVT TP (5-11-1975/ 5-11-2015), vừa qua Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức hàng loạt các sự kiện chào mừng. Trong đó có hội thảo khoa học “Giao thông vận tải TP.HCM: 40 năm nhìn lại và hướng đến tương lai”. Tại hội thảo này, nhiều thành tựu đã được đề cập và những trăn trở cũng được khơi lên.
Những thành tựu
Kể từ khi tiếp quản sau ngày 30-4-1975 với trên 30 ngàn phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy, 40 cơ sở sản xuất, sửa chữa phương tiện vận tải, cầu phà, cung ứng nhiên liệu… ngành GTVT đã nỗ lực không ngừng cải tạo, xây dựng hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn xây dựng cầu đường, đặc biệt các tuyến đường kết nối hai khu vực “vùng xa” là Nhà Bè, Cần Giờ với trung tâm TP, chấm dứt tình trạng bị cô lập trong nhiều năm. Và kể từ đó đến nay, Sở GTVT đã đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp linh hoạt để phát triển hoàn thiện, nhanh chóng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đảm bảo GTVT thông suốt, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển mạnh mẽ của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể, toàn ngành đã chú trọng tăng cường cải tạo, mở rộng và xây dựng mới hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ nhằm tạo sự thông thoáng, đảm bảo ATGT, kết hợp chỉnh trang đô thị như mở đường Nguyễn Tất Thành, liên tỉnh lộ 15, đường Cộng Hòa; xây dựng mới đường Lê Thánh Tôn; cải tạo nút giao Hàng Xanh, Nguyễn Tri Phương- 3-2 – Lý Thái Tổ, Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Cây Gõ… Các công trình được hoàn thành đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của một đô thị lớn nhất cả nước. Các tuyến đường cửa ngõ TP cũng được tập trung xây dựng tạo thành hệ thống trục chính đô thị như đường Trường Chinh, Điện Biên Phủ… làm tăng khả năng lưu thông vận tải ra vào TP, hỗ trợ cho hệ thống vận tải công cộng phát triển. Bên cạnh đó, các công trình giao thông trọng điểm như đường Bắc Nam, liên tỉnh lộ 25B, cùng với việc cải tạo các tuyến đường thủy nạo vét luồng Xoài Rạp giai đoạn 2 tăng tải trọng tàu từ 30 ngàn tấn lên 50 ngàn tấn đã thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thành một hệ thống cảng quốc tế như Hiệp Phước, Cát Lái, cảng container, góp phần tăng nhanh vận tải hàng hóa qua đường biển, kéo theo sự phát triển hiệu quả các KCN, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại.
Trong bối cảnh khó khăn về vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, TP.HCM một lần nữa thể hiện tính năng động, sáng tạo, đột phá trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT, BT từ nguồn lực trong nước, vay vốn ODA, WB, hàng loạt các công trình đã được xây dựng hoàn thành như đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu 2, cầu Sài Gòn, đại lộ Đông Tây, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, hầm vượt sông Sài Gòn…
Bên cạnh việc đầu tư cầu đường giao thông, thì các khu vực ngập nước cũng đã được cải tạo đem lại môi trường xanh sạch cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tiết, ngụ kênh Tân Hóa – Lò Gốm phấn khởi chia sẻ: “Kênh Tân Hóa – Lò Gốm trước đây ngập úng triền miên, đời sống của người dân rất cơ cực, nhờ được đầu tư cải tạo nên con kênh này nay đẹp hẳn ra, tình trạng ngập úng đã chấm dứt, đường sá rộng rãi khang trang, người dân bao lâu nay luôn mơ ước được như vậy”.
Là nền tảng chung cho những thành tựu chung của TP.HCM là sự đóng góp không nhỏ của nhiều công trình giao thông hiện đại như cầu dây văng Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, hệ thống cầu vượt thép…
Những trăn trở
Bên cạnh những thành tựu, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học – Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM trăn trở: “Hai vấn đề nan giải và khó gỡ nhất ở TP.HCM là ngập lụt và tắc nghẽn giao thông”. Theo tính toán của ông Hòa, TP hiện có khoảng hơn 8 triệu dân, thì có đến 6,2 triệu xe máy, nghĩa là trung bình mỗi gia đình 4 người thì có khoảng 3,5 xe máy. Ngoài ra còn có 600.000 xe hơi, xe buýt, xe vận tải và hàng trăm ngàn xe thô sơ khác (xe đạp, xích lô, ba gác). Thêm nữa, tỷ lệ đất TP giao cho giao thông rất thấp, chỉ khoảng 1,7-2% trên tổng diện tích đất đô thị, và diện tích mặt đường tính trên đầu người là 2,2m2/người (chỉ tính dân số thường trực).
Đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng. Theo ông Hòa, cách đây 5 năm, kẹt xe chủ yếu xảy ra ở khu vực cửa ngõ TP và vào giờ cao điểm, nhưng nay tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, bất cứ thời gian nào và thời gian kẹt cũng kéo dài hơn. Thực tế cho thấy tình trạng kẹt xe đã từng xảy ra ở các cây cầu huyết mạch, các giao lộ, các trục đường chính với thời gian ùn tắc lên tới 6 tiếng, thậm chí có lần kỷ lục nhất là 11 tiếng khiến người dân phải xếp hàng kéo dài đến hơn 40km. Thiệt hại về tắc nghẽn giao thông theo ước tính mỗi năm ở nước ta là khoảng 23 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Hòa, phương cách để khắc phục tình trạng này, TP cần phát triển các TP vệ tinh trong vùng đô thị, “giải nén” các công trình xây dựng ra ngoại thành, phát triển đa dạng các loại hình giao thông như phát triển hệ thống metro, xe buýt minibus tư nhân, khôi phục lại hệ thống giao thông đường thủy, hạn chế xe máy và xe hơi, khôi phục lại xe đạp…
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – ĐH Bách khoa TP cũng cho rằng một vài bất cập trong hạ tầng giao thông cũng cần được khắc phục để không gây phiền hà cho người dân trong lưu thông như thời lượng chờ của đèn xanh ở một ngã tư trên đường Lý Chính Thắng chỉ vỏn vẹn 15 giây, ở một giao lộ trên đường Phạm Văn Đồng thời lượng đèn xanh chỉ có 12 giây. Một số nơi còn tồn tại vòng xuyến hình tam giác dễ gây tai nạn, ngã 7 gần chợ lớn không có đèn tín hiệu giao thông trong khi nhiều ngã 3, ngã tư ở một số cung đường nhỏ thì lại dư thừa…
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP chia sẻ: “40 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của ngành GTVT TP đã nỗ lực không mệt mỏi để thực hiện tốt nhất sứ mạng, nhiệm vụ được giao. Trong những năm tới ngành GTVT TP sẽ hết sức nỗ lực, quyết tâm từ theo kịp đà tăng trưởng kinh tế xã hội sang hướng tiếp cận mới là quản lý ngành theo hướng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của TP, tiếp nối truyền thống 70 năm đi trước mở đường của ngành GTVT đất nước”. |
Bình luận (0)