Vấn đề chính yếu là cần phải tập trung xây dựng bằng được các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng công suất lớn
|
TS Huỳnh Thế Du
|
|
Khoảng 1 tháng trở lại đây, đường phố TP.HCM lúc nào cũng trong tình trạng ùn ứ quá tải. Các trục đường xuyên tâm như đường Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dù không vào giờ cao điểm nhưng vẫn dày đặc phương tiện.
Xe cộ tăng đột biến, lưu thông khó khăn, nhích từng chút. Một số giao lộ như Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo luôn có lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết, nhưng lượng xe quá đông nên tình trạng không cải thiện là bao.
Trục đường Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo (Q.3), trước đây thông thoáng, phương tiện chỉ hơi đông hơn vào giờ tan tầm chiều tối nhưng nay cũng liên tục tắc nghẽn. Ô tô xếp hàng chôn chân kéo dài từ đoạn Nguyễn Đình Chiểu giao Trương Định tới tận đoạn giao Cao Thắng.
Khu vực trung tâm TP như tuyến đường Lê Lợi, Pasteur, Hai Bà Trưng (Q.1) cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, kể từ khi TP rào chắn đường Tôn Đức Thắng để phục vụ thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2, hầu hết các tuyến đường xung quanh khu vực này luôn trong tình trạng “nghẹt thở”. Dòng xe hỗn loạn thường xuyên bám đuôi nhau từ đoạn Nguyễn Hữu Cảnh giao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến ngã tư giao Tôn Đức Thắng. Những con đường chật kín xe cộ kéo dài tới tận cầu Khánh Hội và tiếp tục lan về phía đường Nguyễn Tất Thành hướng về Q.7.
Không chỉ riêng đoạn rào chắn này, loạt công trình đang thi công dang dở như cầu Kênh Tẻ (nối Q.4 – Q.7), đại lộ Võ Văn Kiệt, giao lộ Phạm Thế Hiển – Dạ Nam Q.8)… cũng đang “bóp nghẹt” giao thông TP, khiến người dân khốn khổ.
Chị Nguyễn Huyền (Q.4) kể chị thuê một phòng trọ tại khu vực đường Tôn Thất Thuyết, hằng ngày ló mặt ra khỏi nhà là gặp hình ảnh xe cộ chen nhau quanh những “lô cốt” bụi mù mịt. Ra đến đường Hoàng Diệu lại nhập vào dòng người chật ních, qua hầm Thủ Thiêm tới xa lộ Hà Nội hướng chạy thẳng về phía Thủ Đức mà vẫn không thoát khỏi kẹt xe.
“Cảm giác mỗi ngày tuyến đường mình đi phải gánh thêm hàng trăm xe. Đáng nói, nếu trước đây tình trạng xe cộ nối đuôi nhau chỉ xảy ra vào giờ cao điểm thì nay sáng, trưa, chiều, giờ nào cũng có thể gặp kẹt xe. Cứ ra đường là thấy ùn tắc, từ ngõ hẻm cho tới xa lộ, đại lộ, đường nào cũng ngột ngạt kinh khủng”, chị Huyền lắc đầu ngao ngán.
Đừng kỳ vọng vào phép màu quy hoạch
Seoul (Hàn Quốc) đã xây dựng một thành phố 10 triệu dân với bản quy hoạch cho 5 triệu người. Điều tương tự cũng xảy ra với rất nhiều đô thị khác, nhất là các đô thị châu Á. TP.HCM ngay từ đầu thập niên 1990 đã phát triển khu Nam là theo triết lý giãn dân. Tuy nhiên phải sau gần ba thập niên thì khu này mới có thể phát triển và tắc nghẽn đã xảy ra khi hệ thống giao thông kết nối với khu trung tâm không được phát triển tương ứng.
|
TS Huỳnh Thế Du
|
|
Trước tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng, vừa qua, lực lượng CSGT TP cùng các đơn vị chức năng đã phải tổ chức ra quân, phân chia lực lượng chốt trực thường xuyên nhằm cải thiện 7 điểm đen ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Qua
45 ngày triển khai, tình hình giao thông tại các nút giao trọng điểm đã phần nào được cải thiện. Thế nhưng theo các chuyên gia, đây chỉ là các biện pháp kỹ thuật mang tính cục bộ, tạm thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công – Trường đại học Fulbright, cho rằng do nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao, kéo dài khoảng cách so với khả năng cung ứng của hạ tầng, giao thông TP.HCM đang bùng phát tới điểm ùn tắc và chỉ cần thêm một lượng nhỏ phương tiện cũng có thể đẩy lên tới mức ùn tắc kinh khủng. Khi đã tiến đến ngưỡng này, tốc độ ùn tắc sẽ tăng rất nhanh, theo chiều dốc thẳng đứng, thêm 1 chiếc xe máy có thể đẩy mức độ ùn tắc tăng lên đến 10 lần trong thực tế, thay vì chỉ tăng 2 – 3 lần theo lý thuyết.
Để giải quyết bài toán kẹt xe của TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ là phát triển TP theo hướng đa tâm nhằm phân bổ, kéo giãn dân cư.
Tuy nhiên theo TS Huỳnh Thế Du, các quy hoạch hiện có đều là giãn dân, không khuyến khích tập trung vào các đô thị lớn, khu trung tâm. Thế nhưng không những không giảm được ùn tắc, những nỗ lực giãn dân “trên giấy” hay theo quy hoạch đã được thực hiện một cách bền bỉ trong mấy chục năm qua đã “đẻ ra” vô số các quy hoạch treo, làm khổ bao người dân. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cũng chỉ ra rằng công cụ quy hoạch đô thị có vai trò rất thấp.
“Nói vậy để thấy đừng kỳ vọng vào phép màu của công tác quy hoạch. Vấn đề chính yếu là cần phải tập trung xây dựng bằng được các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng công suất lớn. Có bắt người dân về Củ Chi ở, thì hằng ngày họ vẫn phải lưu thông vào TP để đi làm, đi học. Vì thế muốn Thủ Thiêm, Thanh Đa, khu đô thị Tây Bắc, TP mới Bình Dương, hay Nhơn Trạch… chia lửa với trung tâm hiện hữu thì cần phải có hệ thống hạ tầng kết nối tốt. Chìa khóa cho giao thông TP.HCM vẫn là mạng lưới metro hoàn chỉnh cùng hệ thống xe buýt kết nối”, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.
Bình luận (0)