Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Giao thông vận tải TP.HCM: 35 năm xây dựng và phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp GTVT cho lãnh đạo TP
Trong 35 năm qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành GTVT TP.HCM không ngừng phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn để duy trì, phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; tổ chức tốt việc đi lại, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của TP, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tạo thuận lợi trong việc đi lại
Với mục đích nhằm tạo thuận lợi trong việc đi lại, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của TP, Sở GTVT TP.HCM đã tập trung nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường tại Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức; xây dựng mới nút giao thông Phú Lâm, Hàng Xanh, cầu Rạch Bàng và cầu Long Kiểng trên hương lộ 34 huyện Nhà Bè. Đặc biệt, áp dụng công nghệ mới bê tông dự ứng lực căng ngoài với sự hợp tác kỹ thuật từ phía Pháp để sửa chữa và nâng cấp cầu Chữ Y, cầu Tân Thuận, cầu Sài Gòn, đem lại hiệu quả tích cực, đảm bảo hệ thống các trục giao thông chính ra vào cảng thông suốt và an toàn.
Trong thời gian qua, nhiều công trình giao thông đã được hoàn thành, từng bước đánh dấu sự phát triển của ngành cũng như sự đổi thay diện mạo của TP. Các công trình dần dần tạo sự đi lại thuận lợi theo hướng Đông – Tây và Bắc – Nam của TP, kết nối và tạo cho đô thị phát triển nhanh dọc hai bờ sông Sài Gòn. Các công trình đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến như phương pháp đúc hẩng, đúc đẩy, cọc khoan nhồi có đường kính lớn trong thi công cầu. Do đó, các công trình đạt chất lượng cao hơn và đảm bảo các yêu cầu về mỹ quan đô thị. Phát triển nhanh hệ thống cầu đường, sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, các đường kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và các khu dân cư đông dân. Mở rộng và tăng số lượng đường kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các trục đường đô thị chính. Lãnh đạo TP luôn tăng cường huy động các nguồn vốn như ODA, BOT, BT… để xúc tiến nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông TP. Nhờ vậy mà rất nhiều công trình lớn đã mau chóng hoàn thành như đại lộ Đông – Tây, cầu Phú Mỹ… Nhiều dự án lớn khác cũng đang được nghiên cứu và đầu tư theo các hình thức này sẽ góp phần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống giao thông của TP.
Quan tâm đầu tư nhiều công trình giao thông
Nhằm tiếp tục hoàn thiện và đưa ngành GTVT TP.HCM phát triển, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng TP nói riêng và đất nước nói chung theo xu hướng hội nhập, giao thông đường bộ sẽ được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Đến năm 2020, TP sẽ xây dựng hoàn thiện 3 tuyến vành đai, 11 trục đường hướng tâm đối ngoại, 7 đường cao tốc, 4 đường trên cao, hoàn thiện 2 trục chính xuyên tâm đô thị. Xây dựng 25 cầu, hầm lớn bắc qua các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu. Ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe tại khu vực đô thị. Xây dựng các bến bãi trung chuyển hàng hóa ở cửa ngõ ra vào nội đô và dọc tuyến vành đai số 2. Cải tạo và xây dựng các kho thông quan nội địa. Hoàn thành việc di dời các cảng biển (Tân Cảng, cảng Sài Gòn, Nhà máy Đóng tàu Ba Son, cảng Tân Thuận Đông và cảng Rau quả) trên sông Sài Gòn ra khỏi khu vực trung tâm TP. Xây dựng các cảng Phú Định, cảng Nhơn Đức, cảng Tân Phú Trung và cảng thương mại Bình Điền. Nâng cấp luồng tàu biển trên các sông Lòng Tàu và Soài Rạp. Nâng cấp các tuyến vành đai vận tải thủy nội địa số 1 và số 2; các tuyến đường thủy liên tỉnh. Tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị. Xây dựng và đưa vào khai thác 6 tuyến tàu điện ngầm (metro) và 3 tuyến tramway và monorail. Phát triển hệ thống xe buýt, kết hợp tăng số lượng phương tiện với việc bố trí kết nối liên hoàn luồng tuyến; hình thành 24 hành lang xe buýt. Cải tạo và chuyển đổi chức năng các bến xe hiện hữu ở khu vực trung tâm (Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe Chợ Lớn) thành các bến trung chuyển xe buýt. Xây dựng mới một số nhà ga hành khách xe buýt và các bến bãi hậu cần cho xe buýt. Đầu tư xây dựng các bến xe khách liên tỉnh tại khu vực ngoại vi trung tâm; Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Sông Tắc, Bến xe Miền Tây mới, Bến xe Xuyên Á…
Bài, ảnh: Hà Anh

Theo đánh giá của Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Sở GTVT TP.HCM đã có những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật giao thông đô thị. Điều đó không chỉ góp phần to lớn cho sự phát triển của TP mà còn có những đóng góp tích cực cho ngành GTVT của cả nước.

 

Bình luận (0)