Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giao thương nông sản Việt – Mỹ: Nhiều cơ hội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lần đầu tiên một đoàn doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ do quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Michael Scuse dẫn đầu sang thăm Việt Nam từ 26 đến 29-9-2011 nhằm tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại, hợp tác. Sự kiện này hy vọng mở ra hướng phát triển mới về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.

Việt Nam đang xuất siêu nông sản vào Mỹ

Theo ông Michael Scuse, Việt Nam là một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Không ít mặt hàng nông sản Việt Nam như hạt điều, cà phê, thủy sản (tôm, cá tra), hồ tiêu, cao su, đồ gỗ chế biến và nhiều mặt hàng trái cây khác được chấp thuận vào thị trường Mỹ sau khi Việt Nam đảm bảo các yêu cầu về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Giao thương hai nước đến hết tháng 8-2011 đạt 11 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra (Pangasius) lớn nhất của Việt Nam, với hơn 46.000 tấn, kim ngạch đạt trên 162 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010.

Quan chức Bộ Nông nghiệp Mỹ tham quan Nhà máy sữa Thống Nhất

của Vinamilk. Ảnh: CÔNG PHIÊN

Mới đây, cá tra Việt Nam ở vị trí thứ chín (tăng một bậc so với năm 2009) trong số 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ do Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ công bố. Được biết, năm 2009 là năm đầu tiên cá tra Việt Nam nằm trong danh sách thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ và xếp thứ mười với mức tiêu thụ bình quân 0,78kg/người và tăng lên 0,89kg/người vào năm 2010. Điều ghi nhận thêm là trong 4 loại thủy sản có mức tiêu thụ tăng so với cùng kỳ ở Mỹ có mặt hàng cá tra Việt Nam (cùng với cá rô phi, cá ngừ, cá tuyết), trong khi sáu loại khác có mức tiêu thụ giảm.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chế biến vào thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt hơn 600 triệu USD và nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 70 triệu USD. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trao đổi thương mại hai chiều về nông nghiệp giữa hai nước là 3,4 tỷ USD (năm 2010), dự báo sẽ tăng khoảng 10% trong năm nay. 5 năm qua Việt Nam luôn thặng dư trong giao thương giữa hai nước về các sản phẩm nông nghiệp. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang Mỹ là 1,4 tỷ USD, so với Mỹ xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Việt Nam khoảng 1 tỷ USD.

Cơ hội còn nhiều

Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ tại ASEAN. Bên cạnh việc xúc tiến xuất khẩu nông sản của Mỹ vào Việt Nam, các công ty Mỹ cũng rất quan tâm trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

VCCI cho biết, chênh lệch về thặng dư thương mại nông sản giữa hai nước ngày càng thu hẹp. Nếu 5 năm trước con số chênh lệch giữa Việt Nam và Mỹ gấp 4 lần nghiêng về Việt Nam, nhưng giờ đây khoảng cách này chỉ còn 1,5 lần. Thời gian qua nhà đầu tư Mỹ đã chú ý đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây nhất là việc khánh thành nhà máy chế biến khô dầu đậu nành (công suất khoảng 1 triệu tấn/năm) dùng cho chế biến thức ăn chăn nuôi, thay thế dần việc nhập khẩu. Đó là kết quả hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước bởi Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng về phát triển nông lâm thủy hải sản (với 33 triệu ha đất nông nghiệp). 20% GDP cả nước là từ nông nghiệp và chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010.

Vì vậy, việc doanh nghiệp Mỹ quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng và giá trị nông sản Việt Nam, góp phần tạo dựng thương hiệu quốc tế cho nông sản Việt, góp phần vào việc tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất nhiều mặt hàng nông sản. Đoàn 15 doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ (thịt, gia cầm, chế biến thực phẩm, sản phẩm sữa, trang thiết bị và nông cụ…) đã có nhiều buổi tiếp xúc và trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam để cùng hợp tác, làm ăn tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt trong việc mở rộng mối quan hệ giao thương giữa hai nước, nhất là phát triển ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Nhiều giải pháp xúc tiến thương mại hàng nông sản được hai nước thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc để hàng hóa được giao thương thuận tiện hơn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua nhiều đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam, trong đó có TPHCM tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Gần đây là đoàn của Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN với gần 40 doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay thăm Việt Nam và mới nhất là đoàn 15 doanh nghiệp nông nghiệp Mỹ uy tín, là phái đoàn thương mại nông nghiệp đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Những động thái trên cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp Mỹ đối với nền kinh tế và môi trường kinh doanh Việt Nam. Những thành quả đáng khích lệ trong đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là cơ sở để tăng cường sự hợp tác trong đó nông nghiệp là lĩnh vực nhiều tiềm năng.

Những năm qua, cơ cấu kinh tế TPHCM chuyển sang dịch vụ, thương mại nhưng TP vẫn xem trọng nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua ứng dụng kỹ thuật cao và công nghệ sinh học. TP đã và đang đầu tư vào Khu NNCNC, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Triển lãm sản phẩm nông nghiệp. TP muốn trao đổi kinh nghiệm, tăng cường giao thương với những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến thế giới, trong đó có Mỹ. Vì vậy, chuyến viếng thăm sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Mỹ với đối tác Việt Nam, nhất là TPHCM, góp phần đẩy mạnh quan hệ kinh tế hai quốc gia.

CÔNG PHIÊN / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)