Các giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm giao tiếp trong môi trường sư phạm sau khi được TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ về “Nghệ thuật giao tiếp trong trường học”.
Văn hóa giao tiếp trong môi trường sư phạm
Theo TS. Bích Hồng, trong môi trường sư phạm, việc giao tiếp tốt với phụ huynh và học sinh cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Bất cứ ai, bất cứ bộ phận nào trong môi trường sư phạm cũng cần phải giao tiếp vì sự thờ ơ, lạnh lùng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, nhưng nếu điều đó xuất hiện ở trường học sẽ bị chỉ trích nặng nề, có khi lại làm giảm uy tín của một ngôi trường đã gầy công xây dựng hình ảnh. Cụ thể, TS. Bích Hồng đã kể câu chuyện xảy ra mới đây về trường hợp một phụ huynh đi xin học cho con. Chị phụ huynh này có ý định xin cho con vào một trường điểm trong quận, cách nhà khá xa. Khi tới trường thì đúng thời điểm trường đang nghỉ hè nên chị chỉ gặp bác bảo vệ. Ba câu hỏi đầu tiên, bác bảo vệ trả lời cụt ngủn mà không hề ngước lên nhìn chị một lần, những câu tiếp theo vẫn cộc lốc, cụt ngủn khiến chị vô cùng thất vọng. Trên đường về, chị thấy ngôi trường gần nhà khá thoáng mát, sạch sẽ nên ghé vào thăm. Khi vào, chị cũng chỉ gặp bác bảo vệ nhưng lại được trả lời, hướng dẫn rất tận tình. Bác bảo vệ còn cho chị biết rằng “con chị đúng tuyến sẽ được phường gửi giấy nhập học nên chị không cần phải xin”. Thậm chí, bác bảo vệ còn có lời mời chị dẫn con vào tham quan trường để bé làm quen với nơi mình sẽ học. Chính thái độ nhiệt tình, cách giao tiếp ân cần niềm nở của bác bảo vệ đã tạo cho chị thiện cảm và cảm giác yên tâm nên chị đã cho con học ở ngôi trường gần nhà thay vì trường điểm như lựa chọn ban đầu.
TS. Nguyễn Thị Bích Hồng đang trao đổi với giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân về nghệ thuật giao tiếp |
Đi sâu vào khía cạnh này, TS. Bích Hồng phân tích: Trong môi trường sư phạm, tất cả các bộ phận đều cùng giao tiếp với phụ huynh và học sinh. Người giao tiếp với phụ huynh không hẳn chỉ có giáo viên chủ nhiệm mà còn là nhân viên bảo vệ – người mà phụ huynh gặp đầu tiên khi vào trường; nhân viên văn phòng – người mà phụ huynh vào liên hệ làm hồ sơ, thủ tục nhập học cho con; thủ quỹ – người mà hàng tháng phụ huynh lên trường đóng các khoản tiền cho con… Vì thế, tất cả các bộ phận nên thể hiện tinh thần trách nhiệm khi đón tiếp phụ huynh và nên đón tiếp với một thái độ ân cần, nhân hậu vì đó mới đúng là văn hóa giao tiếp trong môi trường sư phạm.
Mọi giao tiếp đều tác động đến học sinh
Chỉ riêng việc sử dụng ngôn ngữ thôi cũng có thể gieo trồng hoặc hủy hoại một niềm tin. |
Bàn về vấn đề giao tiếp, TS. Bích Hồng cho rằng: Sở dĩ dạy người khó là bởi mọi hoạt động, cử chỉ nhỏ trong giáo dục đều tác động đến học sinh. Dạy một bài giáo dục công dân hoành tráng nhiều lúc lại không tác động nhiều bằng một hành động, cử chỉ nhỏ của giáo viên. “Chúng ta giao tiếp tốt với phụ huynh, với đồng nghiệp chính là chúng ta dạy học trò về cách người lớn tôn trọng lẫn nhau, cách người lớn cư xử với nhau. Thậm chí, mọi cử chỉ, tác phong mà giáo viên thể hiện cũng gián tiếp dạy học sinh về phong thái của một người thầy”, TS. Bích Hồng nói. Chính vì lẽ đó, mọi cử chỉ của giáo viên từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói, ngôn ngữ… đều được học sinh chú ý. Chỉ riêng việc sử dụng ngôn ngữ thôi cũng có thể gieo trồng hoặc hủy hoại một niềm tin, có thể cổ vũ hoặc làm suy giảm sức mạnh tâm hồn, làm tiêu tan nhuệ khí của người khác. “Rất nhiều giáo viên thường sử dụng ngôn từ rất… thoáng như gọi học sinh là “mấy người”, “nhà trai, nhà gái”; hay dọa học sinh “tui lôi đầu em lên gặp ban giám hiệu”, “sẽ biết tay tui”… Những câu nói này sử dụng không đúng lúc có thể làm mất tư cách của giáo viên và làm tổn thương học sinh. Vì vậy, định hướng lời lẽ là một điều cần phải lưu ý, là giáo viên thì phải nói lời thông minh. Cùng một lời nói nhưng chỉ cần một chút đảo từ, sử dụng từ ngữ khác sẽ có tác dụng giáo dục khác. Thay vì la rầy học sinh và nói “cô thấy em không có tiến bộ” với hàm ý khẳng định thì câu nói “cô không thấy em tiến bộ” với hàm ý đánh giá sẽ có sự nhẹ nhàng hơn hẳn. Nhưng sẽ hay hơn khi câu nói đó được đổi thành “cô chưa thấy em tiến bộ” với hàm ý tin tưởng, đợi chờ và càng hay hơn nữa khi được chuyển thành “cô mong/tin em sẽ tiến bộ” khẳng định một niềm tin của bản thân đối với học sinh. Nhiều khi cùng một câu nói, cha mẹ và bạn bè nói các em không tin nhưng thầy cô nói các em sẽ tin vì các em cho rằng thầy cô là người không hề có quan hệ huyết thống, lại là người lớn tuổi nên mọi lời nói sẽ mang tính đánh giá khách quan và chân thực hơn nhiều”, TS. Bích Hồng phân tích.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Lời nói có thể giết chết một con người Cũng là giao tiếp, nhưng theo TS. Bích Hồng, nhiều khi sử dụng ngôn ngữ không lời lại có một tác dụng rất tích cực. “Nhiều khi để biểu lộ thái độ, giáo viên không cần phải làm gì, nói gì mà chỉ cần một ánh mắt nhìn thôi cũng nói lên nhiều cảm xúc. Một giáo viên khi biết học sinh lớp mình dạy vi phạm nội quy đã bước vào lớp, nhìn vào từng em với ánh mắt thật buồn, lắc đầu rồi mới nói vài lời sẽ có tác dụng cảm hóa hơn rất nhiều thay vì rầy la các em. Lời nói có thể giết chết một con người nên là giáo viên, chúng ta phải cẩn trọng khi sử dụng ngôn ngữ để biến nó trở thành một công cụ hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục con người”, TS. Bích Hồng nhấn mạnh. |
Bình luận (0)