Đừng hỏi học ngành nào ra trường có việc làm, bởi điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào các em. Hãy tận dụng thời gian để tạo ra cơ hội tốt nhất cho bản thân…
Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Đó là lời khuyên của các chuyên gia dành cho học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua.
“Các em hãy tận dụng những con số biết nói”. Đó là lời khuyên được chuyên gia tư vấn tâm lý và kỹ năng Tô Nhi A đưa ra khi giải đáp câu hỏi của nhiều học sinh về việc “làm thế nào để có thể lựa chọn một ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình”. Theo bà Tô Nhi A, những con số biết nói ở đây là điểm số trong sổ học bạ kéo dài suốt 7 năm từ bậc THCS đến THPT, trong hai khối KHTN và KHXH, tự hỏi bản thân mình có khả năng, thế mạnh ở khối nào để đưa ra lựa chọn. “Đó còn là phân khúc học phí giữa các trường đào tạo. Tùy từng trường khác nhau sẽ có mức học phí khác nhau phù hợp với hoàn cảnh gia đình của mỗi người. Mức học phí cao thì các em hãy tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn này như đưa ra hướng làm thêm phù hợp để trang trải. Còn mức học phí thấp không có nghĩa là chất lượng đào tạo kém. Việc thành công hay không thành công trong ngành mình học phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân các em”, bà Tô Nhi A nhấn mạnh.
Bà Tô Nhi A nhắn nhủ thêm: Khi đã có định hướng, lựa chọn rồi thì phải “tuyệt đối tin tưởng vào lựa chọn đó, đừng phân vân, dao động. Và dù kết quả thế nào, các em cũng nên “chuẩn bị sẵn một kịch bản xấu”. Trượt ĐH không phải là một thất bại. Trong rất nhiều trường hợp, đó lại là sự khởi đầu cho những chọn lựa tốt đẹp khác.
Giải đáp băn khoăn của nhiều học sinh trong trường về việc nếu bản thân giao tiếp kém thì có nên chọn học ngành marketing thương mại không?, nhiều chuyên gia cho rằng, marketing là một ngành đặc thù, một trong những tố chất của ngành đó là khả năng giao tiếp để có thể hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên, nếu đam mê với nghề, mong muốn theo nghề thì hãy lựa chọn cho mình một môi trường phù hợp để “bù đắp” những thiếu sót. “Những yếu tố như sự năng động, khả năng giao tiếp, hoạt bát là điều cần có của một người làm nghề marketing. Với những điều này, không ai có thế mạnh ngay từ đầu được. Các em có thể tự trau dồi trong môi trường học tập của mình như tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, đội nhóm… của trường ĐH. Bên cạnh đó, với ngành này, tại các trường sẽ luôn trang bị cho sinh viên những kiến thức về kỹ năng mềm như làm việc nhóm, lập kế hoạch…”, bà Tạ Thị Thúy (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết.
Nhiều trường đòi hỏi trình độ tiếng Anh đầu vào Đây là thông tin trong quy chế tuyển sinh được đại diện nhiều trường đưa ra tại chương trình tư vấn tuyển sinh ở Trường THPT Hùng Vương (Q.5) vừa qua. Theo đó, tùy ngành nghề đào tạo khác nhau mà mức yêu cầu tiếng Anh đầu vào cũng khác nhau, thông thường từ 5.0 trở lên với điểm IELTS. “Với ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì yêu cầu đầu vào ngoại ngữ là phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế 6.0 trở lên. Điểm trung bình các môn học theo tổ hợp xét tuyển phải trên 7.0”, ThS. Nguyễn Đăng Quang (đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết. Để được tuyển thẳng vào trường, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, trước hết thí sinh phải là học sinh thuộc các trường chuyên hoặc lớp chuyên trong trường chuyên, có điểm trung bình học bạ từng môn xét tuyển đạt từ 8 trở lên, thí sinh tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Còn theo ThS. Tô Huỳnh Thư (Phó phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn), để học ngành ngôn ngữ Anh theo khung chương trình đào tạo của trường thì thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào là 5.0, song song với đó là phải vượt qua được kỳ xét tuyển của trường… |
Không chỉ đưa ra những lời khuyên trong việc lựa chọn ngành nghề, chương trình còn cung cấp thông tin về cơ hội việc làm của các ngành đào tạo tại nhiều trường. “85% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường, 95% sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên ra trường” là thống kê được TS. Trần Thăng Long (đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM) đưa ra đối với các ngành đào tạo tại trường. Theo ông Trần Thăng Long, khi tốt nghiệp cử nhân luật, các em sẽ có cơ hội làm việc tại tất cả các cơ quan có tính chất về pháp lý hoặc tại tòa án, viện kiểm soát, văn phòng luật sư… “Thông thường điểm đầu vào các ngành thuộc khối C khá cao, từ 21 đến 22 điểm”, ông Trần Thăng Long cho biết.
Đó cũng là con số được ThS. Lê Thị Hồng Ngọc (đại diện Trường ĐH FPT) đưa ra đối với ngành thiết kế đồ họa trước thắc mắc của học sinh về ngành này. Bà Lê Thị Hồng Ngọc cho biết ngành thiết kế đồ họa không đào tạo thợ vẽ mà đào tạo các chuyên gia về sáng tạo. Do đó, yêu cầu của ngành là người học phải có khả năng sáng tạo, tư duy logic.
H.Yến
Bình luận (0)