Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo trình chuyên ngành giáo dục tiểu học: Vừa thiếu vừa hàn lâm

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, sinh viên (SV) các khoa đặc thù như giáo dục (GD) mầm non, GD tiểu học, GD đặc biệt… và chuyên ngành (toán, lý, hóa, sinh, văn, tiếng Việt…) ở các trường sư phạm khi học các bộ môn thuộc khối kiến thức cơ sở của ngành hầu như chưa có giáo trình riêng nên thường phải sử dụng giáo trình tương ứng của các khoa cơ bản. Thực trạng này gây không ít trở ngại cho người dạy và người học.
TS. Nguyễn Thị Ly Kha (khoa GD Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: “Giáo trình thuộc khối kiến thức cơ sở của ngành mà SV đang sử dụng sẽ giúp cho SV hiểu sâu kiến thức nếu họ chuyên về một ngành. Nhưng do đặc thù của ngành giáo dục tiểu học, người học phải học nhiều bộ môn thuộc những lĩnh vực rất khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…). Việc SV phải phân chia nhiều thời gian và tâm sức cho nhiều môn học khác xa nhau quá khiến cho giáo trình cơ sở của các khoa cơ bản trở nên “quá tải” và hàn lâm với họ. Mặt khác, hệ thống ví dụ minh họa trong những giáo trình này phù hợp với học sinh trung học hơn trong khi đối tượng của họ lại là học sinh tiểu học”.
Theo khảo sát ý kiến của 112 giáo viên tiểu học ở các quận huyện TP.HCM và ý kiến về tài liệu học tập các học phần cơ sở của 123 SV năm thứ tư ngành GD Tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn, có gần 60% cho rằng giáo trình của các khoa cơ bản mà SV khoa GD Tiểu học sử dụng khi học tập các môn thuộc kiến thức cơ sở của ngành còn hàn lâm, chỉ 6% cho là vừa sức. Hơn 50% SV và học viên cho giáo trình chưa thiết thực. Bên cạnh đó, gần 70% giáo viên (GV) và xấp xỉ 80% SV cho rằng giáo trình thực hành là rất cần thiết. Hầu hết SV và GV đều mong muốn có một giáo trình không quá hàn lâm, bám sát thực tế phổ thông và tiểu học, phù hợp chương trình sách giáo khoa nhưng không lỗi thời và thiếu cập nhật. Họ đều đồng tình rằng một giáo trình thực hành hoặc giáo trình lý thuyết có phần bài tập thực hành cùng gợi ý giải bài tập kèm theo phần cung cấp kiến thức lý thuyết sẽ giúp họ rất nhiều trong việc củng cố và mở rộng kiến thức.
Không ít GV tiểu học cho biết họ rất cần những tài liệu thuộc nhóm khoa học cơ bản khi tra cứu mở rộng hoặc đào sâu một đơn vị kiến thức nào đó hoặc khi họ bị “bí” mà không tìm được câu trả lời. Cũng không ít GV, SV nguyện vọng có những cuốn giáo trình phương pháp được viết theo kiểu tích hợp nhưng không chỉ dừng ở việc nói về phương pháp giảng dạy chung chung, vận dụng vào môn học nào cũng được mà cần thiết có những giáo trình có sự chỉ dẫn về cách thức xử lý các đơn vị kiến thức phù hợp với đặc thù cấp học. Một giáo trình cơ sở chuyên ngành tiểu học giúp GV tiểu học tiết kiệm thời gian và nắm bắt các đơn vị kiến thức. Vì họ đỡ mất thời gian công sức cho việc tổng hợp tài liệu, làm bài tập, thảo luận những nội dung không thật sát với cấp học mà họ giảng dạy.
TS. Kha nhấn mạnh: “Để cung cấp cho SV, GV ngành GD tiểu học những kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại về các bộ môn cơ sở của ngành và chuyên ngành; cung cấp những hiểu biết về nội dung dạy học các bộ môn cơ bản (toán, tiếng Việt, tự nhiên – xã hội) ở tiểu học; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng GV tiểu học cần có hệ thống giáo trình chuyên ngành. Việc soạn hệ thống giáo trình chuyên ngành không nên trì hoãn. Giáo trình các bộ môn cơ sở của ngành và chuyên ngành phải hướng tới đối tượng, bám sát đối tượng giáo viên tiểu học và hoạt động dạy học ở bậc tiểu học. Nội dung ứng dụng vào dạy học ở tiểu học và hệ thống bài tập nhằm củng cố kiến thức”.
MÊ TÂM

Bình luận (0)