Tình huống: Đầu năm học này, trường tôi phân công cô Thư phụ trách lớp 3/1. Cô là giáo viên vừa nghỉ hộ sản vào. Sau 2 tháng giảng dạy, các giáo viên khác phản ánh cô luôn đi dạy trễ, không đảm bảo giờ giấc. Chẳng những thế, phụ huynh còn than phiền cô quá nghiêm khắc với học sinh, khó gần khó giao tiếp.
Muốn giáo viên hết lòng với công việc, người lãnh đạo phải làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, khoa học (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Khi biết được tình hình, tôi (phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn) đã tiến hành một số công việc sau:
Tìm hiểu, xác thực vấn đề
Bản thân tôi thường xuyên đi kiểm tra giờ giấc làm việc của giáo viên. Đúng thật là cô Thư hay đi muộn đầu giờ sáng khoảng 15 phút nhưng cô không về sớm mà thường hay ở lại chấm bài vở cuối giờ cho xong mới về. Tìm hiểu quá trình phấn đấu của cô Thư thì tôi được biết cô là một đảng viên trẻ, những năm học trước cô luôn có nhiều thành tích trong giảng dạy, là một giáo viên nhiệt tình, xây dựng nếp học tập rất tốt. Cô vừa sinh con thứ hai, bé được 10 tháng. Chồng cô cũng là giáo viên, dạy trường khác. Mẹ cô sau thời gian chăm cháu đã trở về quê nên hiện nay chỉ có hai vợ chồng chăm con. Cô không thể xin con vào học các trường mầm non vì bé quá nhỏ nên đành gửi người trông hộ nhưng họ chỉ nhận sau 7 giờ sáng. Trường chồng cô khá xa nên anh phải đi sớm. Vì thế cô phải đưa bé đi gửi rồi mới đến trường. Việc chăm con nhỏ phải thường xuyên thức khuya dậy sớm, bé hay quấy khóc nên cô mệt mỏi dẫn đến cáu gắt trong giao tiếp.
Báo cáo tình hình với hiệu trưởng
Sau khi tìm hiểu tình hình, tôi đã xác định đây là vấn đề cần sớm giải quyết để không ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng giáo dục của bản thân cô Thư và của nhà trường. Vì thế tôi đã báo cáo với hiệu trưởng, đề xuất hướng giải quyết và xin ý kiến chỉ đạo.
Tôi xác định nguyên nhân vấn đề là khách quan ngoài ý muốn của cô Thư. Bản thân cô cũng rất có trách nhiệm trong giảng dạy và rất tâm huyết với nghề. Nếu tạo điều kiện làm việc phù hợp, cô sẽ thực hiện tốt. Mặc khác, giải quyết tốt vấn đề sẽ giúp xây dựng lại kỷ cương và quy chế làm việc trong nhà trường.
Giải quyết vấn đề
Ban giám hiệu tiến hành buổi họp với cả khối 3. Phân tích tình hình cho cả khối hiểu rõ việc đảm bảo giờ giấc là một trong những yêu cầu quy chế chuyên môn. Đó cũng là hình ảnh sống động nhất về việc giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho học sinh noi theo. Việc không thực hiện tốt nề nếp kỷ cương cũng sẽ tạo hình ảnh xấu ảnh hưởng đến chính uy tín của giáo viên và cả nhà trường. Tôi đề cập đến thành tích bao nhiêu năm của cô Thư đã tạo dựng chắc hẳn cô cũng không muốn đánh mất. Bản thân tôi cũng đã trao đổi với cô về việc giao tiếp với phụ huynh: Cần chú ý xây dựng mối quan hệ tốt để đẩy mạnh chất lượng giáo dục. Đây cũng là một yêu cầu mà Thông tư 30 đề ra, phải biết liên kết chặt chẽ với phụ huynh trong công tác đánh giá giáo dục học sinh. Mặt khác, nếu không được phụ huynh tín nhiệm sẽ ảnh hưởng không nhỏ cho việc xếp lớp sau này của cô.
Người quản lý cần phải thường xuyên tìm tòi học hỏi, vận dụng khéo léo các học thuyết và phương pháp quản lý nhằm giải quyết từng tình huống cụ thể để tạo được hiệu quả như mong muốn. |
Sau khi nghe phân tích, cô Thư đã nhận khuyết điểm về việc đi trễ do hoàn cảnh gia đình. Cô cũng cho biết đang tìm chỗ gửi con. Cả khối 3 cũng thấy rằng cần tạo điều kiện quan tâm hơn với đồng nghiệp. Tiếp đó, tôi đã sắp xếp lại thời khóa biểu, bố trí cho cô Thư được nghỉ tiết đầu để tiện việc đưa con đi học. Các hoạt động trực tuần sẽ đổi buổi với thành viên khối. Tuy nhiên, không thể sắp xếp cả 5 buổi trong tuần nên cô cần cố gắng sắp xếp trong gia đình để không ảnh hưởng đến công tác. Tôi cũng thống nhất với khối về công tác quản lý, cần báo cáo kịp thời các tình huống sự việc xảy ra để có sự chấn chỉnh kịp thời. Các thành viên cần quan tâm hỗ trợ nhau trong công tác. Mặt khác, yêu cầu khối bố trí cho cô Thư cùng tham gia các hoạt động của khối.
Kết quả sự việc
Nhờ xác định được vấn đề mà tôi đã giải quyết được sự việc: Cô Thư được tạo điều kiện nên công tác giảng dạy hiệu quả. Cô đã kịp thời chấn chỉnh lại công tác giao tiếp với phụ huynh, biết lắng nghe và tạo niềm tin ở phụ huynh. Các thành viên khối 3 đã quan tâm nhau hơn. Cô Thư cũng tích cực tham gia các phong trào của khối. Kỷ cương giảng dạy của nhà trường được chấn chỉnh, các giáo viên khác cũng tự giác chấp hành nhiệm vụ. Mọi người nhìn thấy sự quan tâm của ban giám hiệu nên càng yên tâm công tác, cùng tham gia quản lý và cống hiến hết mình cho nhà trường.
Thiển nghĩ, công tác quản lý trong nhà trường là một công việc đòi hỏi tính khoa học, tính nghệ thuật. Người làm công tác quản lý phải là người thật sự có tâm, có tầm. Phải làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, phải biết phán đoán và nhìn nhận vấn đề, giải quyết khoa học hợp tình hợp lý.
Trần Thị Mỹ Dung & Hai Đức
Bình luận (0)