Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên bị “treo” khi thuyên chuyển

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Rành rành các quyết định, nhưng các giáo viên vẫn bị "thất dạy".
  Lâu nay người ta chỉ nghe nói đến quy hoạch treo, dự án treo…, ít ai nói đến thuyên chuyển treo, nhất là trong ngành giáo dục. Ấy thế mà ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lại đang có 4 giáo viên bị thuyên chuyển treo.

Số là, họ được tiếp nhận vào ngành giáo dục Tân Kỳ để tăng cường cho các huyện vùng cao. Sau 5 năm hoàn thành "nghĩa vụ" họ mừng rỡ về quê, thì hỡi ôi…

Chỉ thiếu… tiền

Thầy giáo Hoàng Tam Danh (SN 1981) được tuyển dụng vào ngành giáo dục từ năm 2003. Thầy Danh được phân công về công tác tại Phòng GD huyện Tân Kỳ để nhận nhiệm vụ tăng cường lên huyện Quế Phong với thời hạn 5 năm. 5 năm trời làm giáo viên cắm bản, thầy Danh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 8.2008, thầy Danh hết thời hạn "nghĩa vụ" nên đã được Chủ tịch UBND huyện Quế Phong ra quyết định thuyên chuyển công tác về Tân Kỳ. Vốn quê ở Tân Kỳ nên thầy Danh hết sức mừng rỡ. Bữa cơm chia tay, thầy nói với bạn bè: "Thế là tớ được về dạy gần nhà rồi, tớ sẽ cố gắng dạy tốt hơn nữa…".

Rồi thầy Danh hẹn với các bạn, tháng lương đầu tiên ở quê nhà thế nào cũng có quà cho các bạn. Thế mà nay đã sang năm 2009, đã 4 tháng từ giã trường cũ rồi nhưng thầy Danh nào đã có trường nào nhận vào dạy để mà có lương.

Cùng thời gian với thầy Danh, thầy Hoàng Xuân Anh cũng có quyết định tương tự. Những tưởng như bao người ở huyện khác, sau khi hoàn thành "nghĩa vụ" trở về mình được bố trí công tác đàng hoàng hơn, thuận lợi hơn. Vì thế mà bữa liên hoan của thầy Anh với các đồng nghiệp đã rôm rả hơn rất nhiều. Và rồi cũng chẳng khác gì thầy Danh, thầy Anh bây giờ vẫn là thất nghiệp. "Tôi không ngờ sau khi đi "nghĩa vụ" trở về, mình lại bị rẻ rúng đến thế" – thầy Anh xót xa nói.

Hơn cả hai thầy nói trên, cô Đặng Thị Trang và thầy Dương Trọng Tân còn được Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn – ông Bùi Trầm ký hẳn một bản nhận xét về quá trình công tác ở huyện này, đồng thời đề nghị UBND huyện Tân Kỳ tạo điều kiện để bố trí công tác cho hai giáo viên này. Tuy vậy, đến nay cả hai giáo viên này  vẫn "thất dạy".

Mặc dù trở về từ hai huyện khác nhau, nhưng bốn thầy cô này đã gặp nhau trên đường "đi gõ cửa quan". Vì thế mà họ đã cùng nhau ký đơn gửi tới Chủ tịch UBND huyện những mong được lãnh đạo huyện xem xét.

Kết quả là họ có được mấy dòng bút phê của vị chủ tịch huyện, rằng: "UBND huyện Tân Kỳ xác định việc đưa con em là giáo viên đã hoàn thành nghĩa vụ ở vùng cao về huyện là trách niệm và đạo lý. Nhưng điều kiện trước mắt huyện thừa giáo viên quá lớn và thâm thủng ngân sách hơn 5 tỉ đồng/năm về lương giáo viên…". Như vậy là do thâm thủng ngân sách nên chủ trương của tỉnh và đạo lý, trách nhiệm của huyện Tân Kỳ phải tạm thời bị huyện… lãng quên (?!).

"Thất dạy"

Tình cảnh "thất dạy" của bốn giáo viên nói trên vẫn chưa được ai giải quyết thấu đáo. Bởi vậy, cả bốn người lại phải làm đơn gửi tới Sở Nội vụ, cơ quan đã ra quyết định tuyển dụng. Bà Cao Thị Hiền, Phó GĐ Sở Nội vụ đã có ý kiến bằng văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đề nghị xem xét, tạo điều kiện. Tuy thế, công văn này cũng chỉ là tạo điều kiện, xem xét mà thôi.

Cô Đặng Thị Trang cho biết: "Khi cầm quyết định thuyên chuyển trở về, tôi được Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ đồng ý bố trí ở một trường cách nhà 10km. Thế nhưng khi hai phòng này tham mưu thì ông chủ tịch không chịu. Ông cũng không tiếp chúng tôi và trả lời rất vô trách nhiệm: "Hãy quay lại vùng cao, khi nào huyện sắp xếp được thì sẽ gọi".

Tôi đã hết hạn nghĩa vụ, con còn nhỏ, chồng công tác ở huyện biên giới, sao lại buộc tôi quay lại vùng cao. Mà bây giờ quay lại, ai nhận chúng tôi nữa… Tại sao con em ở các huyện khác cũng như chúng tôi nhưng khi trở về lại được đón tiếp tử tế, còn chúng tôi…".

Một số giáo viên khác thì còn mang hẳn công văn số 39/CV.UB ngày 3.9.2003 của Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ về việc đề nghị tuyển dụng giáo viên để cho rằng, đây là việc làm "mang con bỏ chợ" của huyện này.

Trở lại với công văn của Phó GĐ Sở Nội vụ, theo chúng tôi thì chỉ đề nghị xem xét là chưa đủ. Sở Nội vụ, cơ quan ra quyết định tuyển dụng tiếp nhận phải có trách nhiệm trong việc bố trí công tác cho 4 giáo viên nói trên. Như thế mới là thực hiện đúng chủ trương, thực hiện đúng đạo lý.

Phạm Việt Thắng (theo LĐ)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)