Mỗi năm thành phố có khoảng 2.000 GV bỏ việc, nhiều nhất là GV mầm non. Ảnh: H.Triều |
Trung bình mỗi năm TP.HCM có khoảng 2.000 giáo viên (GV) bỏ việc, trong đó chủ yếu là GV mầm non, GV tiểu học và GV các môn phụ. Nói về nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Đạt – Chủ tịch Công đoàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Lý do đơn giản là… lương không đủ sống”. Và trong lúc Quốc hội đang bàn thảo về đề án tăng học phí với nhiều ý kiến bàn ra, tán vào thì ở các trường học, không ít giáo viên đang lặng lẽ chuẩn bị rời xa bục giảng.
Chuyện “cơm áo gạo tiền” khó nói
Có cùng ăn, cùng ở với GV ngoại thành mới thấy được những khó khăn của họ. “Tuy là ở ngoại thành nhưng mức chi tiêu của chúng tôi không ít hơn so với GV nội thành. Thậm chí còn cao hơn vì hàng hóa phải đưa từ nội thành ra, nước sinh hoạt phải mua giá cao” – thầy N.T.K. đang dạy ở Bình Khánh, Cần Giờ than vãn.
Đối với những GV từ nội thành ra ngoại thành giảng dạy còn nhiêu khê gấp bội. Cô N.T.T.A nhà ở Q.1, ngày ngày phải đi hơn 30 cây số để dạy ở một trường vùng sâu của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè phân tích: “Hàng tháng thu nhập của em trên 1,5 triệu đồng, bao gồm tiền lương và tiền dạy hai buổi. Để có được mức thu nhập này, mỗi ngày em phải đi từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới về đến nhà. Trừ đi tiền xăng xe, ăn sáng, ăn trưa thì em không còn dư được đồng nào”.
Ở Nhà Bè và Cần Giờ, nhiều năm nay, GV tiểu học và THCS phải tập trung thực hiện nâng cao chất lượng giảng dạy nên ở trường suốt cả ngày. Thế nhưng tiền dạy buổi thứ hai thì giống như một “khoản nợ khó đòi”. Cô C.T.P. – GV một trường tiểu học ở vùng sâu Hiệp Phước, Nhà Bè nói như mếu: “Tiền đóng học buổi thứ 2 ở đây mỗi tháng 30.000 đồng/em, mỗi lớp trên 30 học sinh nhưng chỉ thu được một, hai trăm ngàn đồng/tháng. Tiền này còn phải trích lại 30% cho trường. Bởi vậy, khi đến tay GV chỉ còn vài chục ngàn đồng”.
Cô Đ.T.H. từ Q.7 xuống Nhà Bè dạy ở một trường tiểu học bức xúc: “Những năm học trước dạy trong phân hiệu sâu nên mỗi tháng chỉ thu được vài chục ngàn đồng tiền buổi thứ hai. Phần lớn gia đình học sinh quá nghèo nên các em cứ đánh liều học “chui”. Mình là thầy, là cô thấy vậy cũng tội nghiệp nên “free” luôn. Có điều bất hợp lý là dù tiền không có nhưng những GV từ nội thành ra như chúng tôi vẫn phải “cắm rễ” suốt cả ngày ở đây nên không thể làm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Nhiều lúc ông xã nói nghỉ dạy ra chợ bán rau thu nhập còn cao hơn đi dạy – cực nhọc từ sáng sớm đến tối mịt mà tiền thì chẳng thấy đâu”.
Thầy N.T.H. trước đây dạy ở Trường THCS Thạnh An, Cần Giờ tâm sự: “Phần lớn GV ở đây nếu có cơ hội là “chuồn” khỏi trường ngay. Nhà trường có biết chuyện này nhưng cũng đành chịu vì đời sống chật vật thiếu thốn không thể níu kéo được họ”…
Bỏ việc là điều khó tránh…
Nhiều giáo viên mầm non trẻ bỏ nghề vì quá cực mà thu nhập thì lại quá thấp |
Dạy ở ngoại thành khó khăn nên GV bỏ việc cũng là điều dễ hiểu, nhưng ở nội thành, thậm chí là các quận trung tâm, GV cũng bỏ trường, bỏ lớp. Năm học 2008-2009, Trường MN 20-10, Q.1 có tới 3 GV bỏ việc. “Cô thì nghỉ để đi du học, cô thì nghỉ để lấy chồng… Tuy mỗi cô có một lý do riêng để xin nghỉ việc nhưng nguyên nhân chính vẫn là công việc thì nhiều, vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Nhiều GV ở nhà là tiểu thư, có khi chưa bao giờ phải cầm chổi quét nhà, vậy mà đi dạy thì phải dọn vệ sinh cho trẻ. Có GV, cháu khóc dỗ không được cũng khóc theo. Bởi vậy nên chuyện GV bỏ việc là điều khó tránh khỏi…”, cô Trần Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
M.Th.H. (Q.3) – nguyên là GV Trường MN 4, Q.4 kể lại: “Năm 2007, tôi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM, sau đó tham gia dự tuyển công chức ở Sở GD-ĐT TP.HCM. Vì tôi tốt nghiệp loại giỏi nên được về dạy ở Trường MN 4, Q.3. Hồi còn là sinh viên đi thực tập thấy công việc cực một, nay đi dạy chính thức thấy cực gấp mười lần. Sáng 6 giờ 30 – 7 giờ là phải có mặt ở trường để làm vệ sinh, rồi đón cháu, cho cháu ăn, dạy cháu học, tổ chức trò chơi cho cháu, cho cháu ngủ… Tóm lại, tôi và các đồng nghiệp cứ như con thoi xoay cùng với các cháu từ 7 giờ sáng đến 5 – 6 giờ chiều. Lớp tôi ít cháu (45 cháu/2 cô) nên đỡ cực hơn, chứ nhiều đồng nghiệp của tôi ở các trường khác than là lớp quá đông, lên tới trên 60 cháu, GV cứ quay như chong chóng mà không hết việc. Ở trường thì vậy, về nhà cũng chưa hết việc, nào là soạn giáo án, làm đồ chơi. Nhưng đáng sợ nhất là những cuộc điện thoại của phụ huynh, ở nhà bé ăn không được – phụ huynh cũng gọi cho GV hỏi tại sao, tối bé khóc – phụ huynh cũng gọi hỏi ở trường hôm nay có chuyện gì xảy ra mà tối ngủ bé lại khóc… Áp lực như vậy, không bỏ việc mới lạ”.
“Càng ở những trường chuẩn thì áp lực của GV càng lớn, yêu cầu của ngành đối với GV càng cao nhưng quyền lợi thì không tương xứng, nếu không muốn nói là không có. Do đó mà năm nào nhà trường cũng “mất” GV, cô thì chuyển sang trường quốc tế, cô thì chuyển sang ngành nghề khác. Điều đáng nói là phần lớn GV bỏ việc là những GV giỏi…” – cô Vũ Thị Xuân Liên – Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh, Q.5 tâm tư.
Còn ở Q.Tân Phú, GV mầm non bỏ việc để ở nhà mở nhóm trẻ gia đình, GV tiểu học thì bỏ trường công sang trường tư vì thu nhập cao hơn, áp lực thấp hơn…
Tăng học phí để “giữ chân” GV?
“Có thực mới vực được đạo, dù rất yêu nghề nhưng tôi vẫn phải nghỉ dạy. Hiện tôi đang bán vé máy bay cho một đại lý gần nhà, thời gian làm việc là 7 tiếng/ ngày, bằng 2/3 thời gian tôi làm việc ở trường nhưng thu nhập thì cao gấp 3 lần. Đặc biệt, nửa đêm đang ngủ không có phụ huynh nào gọi điện mắng vốn như những ngày còn làm GV”, Tr.Th.V. – nguyên GV Trường MN 20-10, Q.1 tâm sự. |
Việc GV bỏ trường, bỏ lớp vì “miếng cơm, manh áo” đã là “chuyện bình thường ở huyện” từ nhiều năm nay. Điều đó khiến cho tình trạng thiếu GV ở thành phố càng trở nên nghiêm trọng. Làm sao để “miếng cơm, manh áo” của GV được “no hơn, ấm hơn”, các hiệu trưởng đều “bó tay”, lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện cũng “chào thua”… Bởi, phần lớn các khoản chi của trường học đều phụ thuộc vào ngân sách của thành phố, mà ngân sách thì chỉ có giới hạn. “Hàng năm, ngân sách thành phố chi thường xuyên cho giáo dục trên 20%. Trong đó có tới 80% được dùng để chi lương cho giáo viên, nhưng lương của các thầy, cô giáo phần lớn là không đủ sống”, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tâm tư.
Nếu ngân sách thành phố cấp cho giáo dục không đủ thì tăng nguồn thu của khối trường học bằng cách tăng học phí. Dù sao thì mức học phí hiện nay đã quá lỗi thời, “tuổi đời” của mức học phí đã lên trên 10 năm rồi. Nhiều hiệu trưởng bức xúc: “Với mức học phí như hiện nay, thu cho vui chứ không làm được việc gì…”. Song, cũng theo TS. Huỳnh Công Minh thì: “Về nguyên tắc, việc tăng học phí phải chờ vào quyết định của Quốc hội”.
Ngày 30-5 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã trình Quốc hội đề án Đổi mới tài chính giáo dục, trong đó có vấn đề tăng học phí. Và trong khi Quốc hội đang bàn thảo với nhiều ý kiến bàn ra, tán vào thì ở các trường học, không ít GV đang lặng lẽ chuẩn bị rời xa bục giảng.
Hòa Triều
Bình luận (0)