“Thầy cô cần biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Cán bộ quản lý, giáo viên phải luôn chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng đổi mới, coi đổi mới chính là nhu cầu tự thân. Cán bộ quản lý phải nằm lòng từ quan điểm chỉ đạo đổi mới, mục tiêu giáo dục, điều kiện hoàn thiện chương trình để sẵn sàng “gieo” vào giáo viên, thúc đẩy đổi mới”, chỉ đạo này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa ra trong buổi làm việc với TP.HCM xung quanh việc thực hiện chương trình mới (CTM).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng bên phải) và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu dự giờ 1 tiết học lớp 1 tại Trường TH Phong Phú 2
Chủ động “gỡ khó”
Là giáo viên thực hiện triển khai CTM năm học 2020-2021, cô Trang Phạm Vũ Hạ (GVCN lớp 1/3, Trường TH Phong Phú 2, huyện Bình Chánh) nhận định, so với chương trình cũ thì CTM học sinh có kỹ năng nói câu rất tốt, các em cũng tự tin thể hiện, hiểu biết hơn về cấu tạo của số. Với riêng học sinh yếu, chậm tiếp thu khó theo kịp chương trình nhà trường tổ chức kế hoạch phụ đạo vào thứ bảy để các em bắt kịp kiến thức.
Thầy Dương Quang Anh Vũ (Hiệu trưởng Trường TH Tân Nhựt 6) cho biết, CTM ban đầu có hơi nặng so với đối tượng học sinh song giáo viên đã chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, tư liệu dạy học đảm bảo học sinh tiếp thu tốt kiến thức. Trong suốt quá trình dạy học, nhà trường luôn tổ chức họp tổ chuyên môn nhằm xử lý, giải đáp kịp thời những khó khăn của giáo viên. Đồng thời mạnh dạn thay đổi phân phối chương trình, xếp thời khóa biểu để học sinh không cảm thấy áp lực trong quá trình học tập, tiếp thu. Trường cũng khảo sát ý kiến của phụ huynh về sự tiếp thu bài của học sinh lớp 1 để kịp thời điều chỉnh…
Chuẩn bị thực hiện CTM ở bậc lớp 6 năm học 2021-2022, thầy Võ Thanh Nhàn (Hiệu trưởng Trường THCS Phong Phú) thông tin, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên với các lớp bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện ở các môn để giáo viên có khả năng dạy liên môn, cơ sở vật chất cũng được chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng thực hiện tốt chương trình. “Khó khăn là nhà trường chưa có giáo viên dạy ngoại ngữ 2, đang sắp xếp giáo viên dạy trải nghiệm hướng nghiệp. Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thực hiện hoạt động hướng nghiệp, giáo dục địa phương”.
Cần coi đổi mới là nhu cầu tự thân!
Qua quá trình kiểm tra thực tế tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ vui mừng trước không khí và tinh thần triển khai CTM tại TP.HCM với tâm thế sẵn sàng đổi mới của đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng. Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện nghiêm túc khoa học, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khi triển khai CTM, Thứ trưởng Độ cho rằng sự triển khai rất quyết liệt này sẽ là cơ sở, niềm tin để ngành GD-ĐT TP thực hiện thành công CTM. “Tỷ lệ học sinh lớp 1 chậm so với các bạn chiếm từ 1-3% (mỗi lớp khoảng từ 1-2 học sinh), điều này cần có kế hoạch của từng nhà trường chăm lo cho từng học sinh, giúp học sinh có điều kiện theo kịp các bạn”.
Chia sẻ với TP.HCM khó khăn về sĩ số học sinh khi thực hiện CTM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, đây là bài toán khó của các TP lớn, để “gỡ khó” thì không chỉ cần đến sự vào cuộc với lộ trình từng bước của TP mà từ phía mỗi nhà trường cần xây dựng đề án triển khai chương trình, với lộ trình dài hơi. Trên tinh thần là giao nhiệm vụ cho nhà trường thực hiện CTM thì phải giao điều kiện để thực hiện chương trình, từ đó các nhà trường sẽ có sự tham mưu đề xuất. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý, dù cơ sở vật chất có thể còn khó khăn song các nhà trường cần dành những gì tốt nhất cho học sinh lớp 1 với sự quan tâm đặc biệt. Các lớp khối trên sĩ số học sinh có thể đông hơn nhưng với học sinh lớp 1 cần được tiếp tục quan tâm, nâng cao tỷ lệ học sinh lớp 1 học 2 buổi/ ngày.
Nhận định thách thức khi triển khai Chương trình GDPT 2018, SGK mới còn rất nhiều, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị cán bộ quản lý, giáo viên vẫn phải luôn chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng đổi mới, coi đổi mới chính là nhu cầu tự thân. Thầy cô cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK GDPT, Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Chương trình GDPT. Cán bộ quản lý phải nằm lòng từ quan điểm chỉ đạo đổi mới, mục tiêu giáo dục, điều kiện hoàn thiện chương trình để sẵn sàng “gieo” vào giáo viên, thúc đẩy sự đổi mới, chuyển từ phát triển quy mô sang chú trọng chất lượng. Ông cũng lưu ý các đơn vị, địa phương về công tác chọn SGK. SGK sử dụng trong các trường học phải được công bố 5 tháng trước ngày khai giảng, mong muốn thầy cô giáo phải đọc thật, phải nghiên cứu thật SGK để linh hoạt triển khai.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, khi thực hiện CTM, từng địa phương, đơn vị phải quán triệt, chú trọng xây dựng kế hoạch nhà trường, giao quyền tự chủ cho từng trường, từng giáo viên. Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, số lượng, cơ cấu, trình độ, công tác bồi dưỡng tập huấn. “Thầy cô cần biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Nhà trường cần tạo môi trường để giáo viên đổi mới, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, văn hóa chất lượng từng nhà trường, thực hiện tốt kiểm định chất lượng kết hợp đánh giá thường xyên, đánh giá quá trình, cuối cùng mới đánh giá học sinh. Ý thức sâu sắc đổi mới đánh giá vì sự tiến bộ của người học để không bỏ sót một học sinh nào. Có thể triển khai mô hình mỗi giáo viên đỡ đầu một em học sinh yếu”.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, lại đánh giá cao lộ trình bồi dưỡng 4 năm giáo viên bậc THCS đảm nhiệm giảng dạy các bộ môn tích hợp. Đồng thời cho biết, bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về giáo viên phụ trách hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương. Trước băn khoăn của các đơn vị về kinh phí chi trả giáo viên phổ thông cốt cán, cán bộ cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay Thông tư 28 điều 11 đã hướng dẫn rất rõ ràng, các nhà trường nên căn cứ vào đó, điều chỉnh phù hợp cho giáo viên.
Qua nghiên cứu kế hoạch dạy và học của nhà trường, TS. Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục TH, Bộ GD-ĐT đánh giá cao công tác chỉ đạo của ngành GD-ĐT TP.HCM về CTM. Ông cho hay, các nhà trường cần đánh giá lại trang bị thiết bị dạy học để có sự phù hợp, ứng dụng tối đa CNTT trong giảng dạy, sử dụng tối đa nguồn học liệu trong SGK để giải phóng sức lao động cho giáo viên. Nếu đã tận dụng hiệu quả ứng dụng của CNTT rồi thì không cần đến các hoạt động phụ trên bảng. “Kết thúc HKI, Trường TH Phong Phú 2 đã chỉ ra 64 học sinh còn yếu để bổ sung sau giờ học chính khóa. Như vậy là nhà trường đã rất nhân văn, trách nhiệm, không hình thức, phát hiện ra yếu điểm của học sinh để hỗ trợ. Từ đây mong rằng các nhà trường, giáo viên cần mạnh dạn hơn nữa phát huy tối đaa hiệu quả của CTM để không bỏ sót, không bỏ qua một học sinh nào… Muốn vậy đòi hỏi nhà trường phải xây dựng được kế hoạch môn học, kế hoạch tổ khối, kế hoạch nhà trường, không vội đánh giá năng lực học sinh ở giai đoạn này mà phải đợi đến cuối năm học. Tới đây, bộ sẽ có văn bản hướng dẫn kế hoạch nhà trường cho toàn bộ các khối lớp”.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)