Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo viên cần có tâm huyết và trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Trầm Tiến Thịnh

Đến giờ, danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” vẫn là một bất ngờ đối với ThS. Trầm Tiến Thịnh, giảng viên Khoa Công nghệ kỹ thuật – Cơ khí, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm. Đây cũng là động lực để anh phấn đấu nhiều hơn trong sự nghiệp dìu dắt học trò.
ThS. Trầm Tiến Thịnh đã chia sẻ với Giáo Dục TP.HCM về công việc của mình.
PV: Cảm xúc của anh khi nhận được danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” của Thành đoàn TP.HCM?
ThS. Trầm Tiến Thịnh: Khi nhận được danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” của Thành đoàn, tôi vui, hạnh phúc và bất ngờ lắm. Niềm vui đến đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 khiến cho điều đó càng trở nên đặc biệt ý nghĩa. Trước đó, mặc dù cũng có hy vọng nhưng tôi không nghĩ mình sẽ đạt danh hiệu này vì tiêu chuẩn khá cao và số lượng hồ sơ đề cử rất lớn, trên 400.
Một số sáng kiến trong giảng dạy của anh được học sinh hào hứng đón nhận. Những sáng kiến đó bắt nguồn từ đâu, thưa anh?
– Khi được nhà trường cử đi học tập, tham quan tại nước ngoài, bên cạnh cơ hội mở mang kiến thức trong cuộc sống, tôi còn lĩnh hội được rất nhiều phương pháp giảng dạy hay. Trong đó đáng chú ý là việc kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực nghiệm. Cụ thể, mỗi buổi học giáo viên dành một phần thời gian để giảng lý thuyết, sau đó cho học sinh thực hành hoặc thực nghiệm kiểm chứng liền nội dung bài học, đồng thời cho cả bài tập mở rộng hoặc làm tiểu luận. Với việc “học đi đôi với hành” như vậy, học sinh hiểu và vận dụng nội dung bài học một cách hiệu quả.
Từ phương pháp dạy học này, tôi cũng mày mò thiết kế những board mạch điện tử phù hợp cho từng nội dung bài học, để học sinh có điều kiện thực hành, không phải nhàm chán vì học suông nữa. Tôi thấy các em nhiệt tình hưởng ứng và hiệu quả buổi học cũng tăng cao.      
Lý do nào anh chọn và theo đuổi nghề giáo? Theo anh, nhà giáo được học sinh yêu quý cần có những tố chất gì?
– Tôi thích lĩnh vực khoa học kỹ thuật nên thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Sau đó, nhận thấy môi trường giáo dục phù hợp với tính cách của bản thân nên tôi đầu quân sang lĩnh vực sư phạm kỹ thuật. Theo tôi, để trở thành một nhà giáo được học sinh yêu quý, bản thân giáo viên cần có năng lực, tâm huyết và trách nhiệm với học sinh. Có như vậy, người giáo viên mới đầu tư tốt hơn cho việc giảng dạy.
Những giai đoạn nào để lại dấu ấn nhiều nhất trong quá trình giảng dạy của anh?
– Trong quá trình hoạt động nghề giáo của tôi, có hai giai đoạn mang tính “bước ngoặt”. Đầu tiên là lúc được cử sang Singapore tập huấn trong một dự án hợp tác giữa TP.HCM với Trường Singapore Polytechnic, tôi học hỏi được rất nhiều về con người, cuộc sống và phương pháp giáo dục của Singapore.
“Bước ngoặt” thứ hai là được lãnh đạo nhà trường giao phụ trách công tác Đoàn, đây là môi trường giúp tôi rèn luyện và học hỏi rất nhiều để hoàn thiện mình. Hiện tôi là Bí thư Đoàn trường kiêm Chủ tịch Hội Sinh viên trường.
Dự định dài hơi của anh đối với cuộc sống và sự nghiệp là gì?
– Đối với bản thân, tôi cố gắng trau dồi hơn nữa trình độ ngoại ngữ. Tôi nghĩ đó là nền tảng cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trong công tác. Đối với công việc, tôi mong muốn làm sao đẩy mạnh được phong trào học thuật và nghiên cứu khoa học trong học sinh – sinh viên nhà trường. Và để hoàn thành tốt những nguyện vọng này, tôi cũng mong có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường và sự hỗ trợ từ đồng nghiệp.
Anh có thể chia sẻ gì về danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” vừa nhận được?
– Danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” mà tôi nhận được hôm nay vừa là thử thách nhưng cũng tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục nỗ lực. Phía sau danh hiệu này, bên cạnh sự phấn đấu của bản thân còn có sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Ban giám hiệu nhà trường và sự ủng hộ của gia đình.Vì vậy, tôi nhủ lòng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ niềm tin của mọi người đối với tôi.
Xin cám ơn anh!
Thục Trân (thực hiện)
Sau 9 năm hoạt động dạy học, ThS. Trầm Tiến Thịnh đã đạt được khá nhiều thành tích. Cụ thể:Bằng khen của Bộ GD-ĐT; “Chiến sĩ thi đua” cấp thành phố; giáo viên dạy giỏi cấp trường; bằng khen của Hội Sinh viên Việt Nam; bằng khen của TW Đoàn; đạt chất lượng đoàn viên xuất sắc; lãnh đạo xuất sắc các chiến dịch “Mùa hè xanh” lần thứ 19 năm 2012 và chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2012…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)