Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên cần được trang bị năng lực số khi thực hiện chuyển đổi số

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 16-12, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Quản trị nhà trường trong xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số.


PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ tại hội thảo

Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Vũ Quảng – quyền Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM – khẳng định công cuộc chuyển đổi số giáo dục có thành công hay không là thành quả của từng đơn vị giáo dục quyết định. Điều này thể hiện tầm quan trọng của người đứng đầu cơ sở giáo dục, người làm công tác lãnh đạo quản lý, điều hành cơ sở giáo dục. Bởi họ là những người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đáp ứng các yêu cầu xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế.

ThS. Lê Thị Ngọc Mai – Trường ĐH Sài Gòn – chỉ rõ chuyển đổi số đặt ra 5 thách thức cho giáo dục đại học. Bao gồm: Thách thức về nhận thức của cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên và sinh viên; Thách thức về tài chính, cơ sở vật chất; Thách thức về nhân lực; Thách thức về điều kiện của người học; Thách thức về độ bảo mật, an toàn thông tin, bản quyền khi thực hiện chuyển đổi số.

"Để đẩy nhanh tốc độ thực hiện chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số và thực hành tốt về công nghệ, thì cần phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số; tiếp tục nâng cao nhận thức về xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong giáo dục đại học cho lãnh đạo, giảng viên, sinh viên; đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT, cơ sở vật chất đồng bộ; chú trọng đầu tư công tác học liệu; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực…" – ThS. Lê Thị Ngọc Mai kiến nghị.

Trong khi đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – lại cho rằng thực tế giáo viên đang lầm tưởng giữa chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, giáo viên mới nhìn công nghệ như một công cụ chứ chưa phải là một phương thức.

Cụ thể, trong đợt cao điểm dạy học trực tuyến vừa qua, giáo viên phải học tập những công cụ lao động mới, thích ứng công cụ đó cho công việc của mình. Song lại không phải chỉ 1 công cụ bởi thông thường giáo viên sẽ phải dùng rất nhiều công cụ trong một giờ dạy trực tuyến. Do đó, khi nói đến chuyển đổi số nhiều giáo viên cảm thấy e ngại bởi họ đang lầm tưởng những gì mà họ đã trải qua trong 20 năm qua đó là ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Ví dụ như chuẩn bị cho một bài thi giáo viên dạy giỏi; một bài giảng chuyên đề hay là dạy học trong dịch COVID với rất nhiều ứng dụng… Họ lầm tưởng những điều này là chuyển đổi số.

"Chuyển đổi số trong giáo dục đòi hỏi chúng ta phải tư duy ngược trở lại. Tức là những công việc bây giờ của giáo viên sẽ cần phải thay đổi về nội dung và quy trình như thế nào, để họ có thể có một người đồng nghiệp, một người thầy ảo. Tư duy rằng chuyển đổi số sẽ mang đến một công nghệ hoàn chỉnh hơn, có thể thay đổi hầu hết các quy trình, nội dung mà bây giờ giáo viên đang phải làm" – PGS. TS Chu Cẩm Thơ nêu rõ.


Khi chuyển đối số, người thầy phải giúp học sinh học sinh sử dụng kiến thức để tạo ra con người xã hội

Bà đồng thời khẳng định, trong chuyển đổi số giáo dục vai trò của giáo viên không bao giờ mất đi mà còn được nâng cao hơn rất nhiều, bởi nhu cầu học tập của người học lúc này không còn dừng ở việc học kiến thức nữa mà học để phát triển chiều sâu con người xã hội. Nếu trong môi trường chuyển đổi số, người thầy giáo ảo là hệ sinh thái giáo dục giúp cho người học dễ dàng tiếp cận với các dữ liệu, kiến thức chuẩn hóa thì người giáo viên sẽ phải là người kiến tạo ra bài học từ những kiến thức đã được chuẩn hóa. "Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi lại quan điểm, nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, tập trung để phát triển con người xã hội cho người học, chứ không phải là tập trung trang bị kiến thức như trước đây" – PGS. TS Chu Cẩm Thơ phân tích.

Để làm được điều này, theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, giáo viên phải được chuẩn bị rất nhiều thứ. Trước hết giáo viên cần phải có các dữ liệu số hóa theo các nguồn tư liệu có thể phân hóa và dễ dàng tạo ra các chương trình học cá nhân. Khi đó, giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng để biết cách lựa chọn dữ liệu nào tốt cho việc giảng dạy của họ.

Thứ 2, chuyển đổi số giáo dục thì phải tạo ra một hệ sinh thái chứ không phải một ứng dụng cho một mảng phạm vi công việc cụ thể. Khi tư duy hệ sinh thái thì giáo viên sẽ có một dữ liệu để liên thông trong các hoạt động giáo dục chứ không đơn thuần như hiện nay. Đòi hỏi các trường học, địa phương phải đầu tư hệ sinh thái chứ không phải là đầu tư các công nghệ lẻ tẻ. Đã đầu tư thì không thể miễn phí, do vậy điều này lại cần thiết phải tính toán lại trong định mức kỹ thuật cho kinh tế giáo dục.

"Khi thừa nhận chuyển đổi số là bắt buộc để tạo ra một phương thức giáo dục mới thì một năng lực mới của người giáo viên cốt lõi phải có – đó là năng lực số. Năng lực số không phải chỉ là năng lực sử dụng công nghệ mà còn rất nhiều thành tố khác, ví dụ như sản sinh dữ liệu như thế nào để gọi là dữ liệu số, giao tiếp như thế nào trên nền tảng số, nghiệp vụ sư phạm, chuẩn mực sư phạm như thế nào… Năng lực số phải là năng lực tích hợp vào công việc của giáo viên hàng ngày, là năng lực cốt lõi của thầy cô cho công việc và cuộc sống, được tích hợp vào cùng với các năng lực nghiệp vụ khác"- PGS. TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)