Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên cần lương cao, lãnh đạo cần chuyên nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà giáo của Hà Nội cho rằng giáo viên cần được trả lương cao, cán bộ quản lý giáo dục cần được đảm bảo tính chuyên nghiệp thì các giải pháp đột phá của chiến lược giáo dục mới có ý nghĩa hiện thực.
Đời sống của giáo viên cần được quan tâm hơn nữa. Ảnh minh họa
Lương thấp khó yêu nghề
Chiều 14/1, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo đầu tiên góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020. Nhiều ý kiến cho rằng năm 2010 là năm diễn ra sự kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 11. Việc bắt đầu một giai đoạn chiến lược giáo dục mới trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng 11 sẽ hợp lý hơn.
Các đại biểu cho rằng chiến lược còn nêu chung chung và chưa diễn đạt được tinh thần khác biệt so với các giải pháp của chiến lược giai đoạn cũ.
Kể về một cuộc trò chuyện với sinh viên sư phạm, nhà giáo Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Lương của giáo viên mới tốt nghiệp ĐH Sư phạm là 1,3 triệu đồng/tháng (kể cả 30% phụ cấp đứng lớp). Trong khi bạn bè các em nếu đi làm cho liên doanh hoặc nước ngoài lương 10 – 15 triệu đồng/tháng. Vậy làm sao để giáo viên trẻ yêu nghề, yêu trường? Với các em, điều quan trọng không phải biên chế hay hợp đồng mà là lương bao nhiêu!”.
Thầy Sơn chia sẻ một thực tế khác: “Một giáo viên trẻ mới ra trường làm việc nhiều và hiệu quả công việc chẳng kém gì một giáo viên lâu năm nhưng thu nhập thì chỉ bằng nửa. Điều này gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành và là nguyên nhân làm cho GD&ĐT khó bật lên được.
Dự thảo chiến lược mới có đề cập đề án đổi mới cơ chế tài chính nhưng đề án này chưa ban hành nên chúng tôi không rõ thực tế này có được giải quyết không? Ngoài ra, giáo viên hiện nay lao động quá căng thẳng nên ngoài việc tăng lương, giáo viên cần được giảm số tiết dạy/tuần”.
Cán bộ quản lý giáo dục phải chuyên nghiệp
Theo nhà giáo Nguyễn Thanh Sơn, chiến lược giai đoạn mới đặt vấn đề xốc lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhưng oái oăm thay, chính ở giai đoạn thực hiện chiến lược cũ hệ thống các trường quản lý giáo dục giải tán gần hết.
Hiện nay chỉ còn vài ba địa phương như Hà Nội, TPHCM, Phú Thọ còn tồn tại các trường này. Trong khi đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chủ yếu đều từ phong trào đi lên. Cách làm chủ yếu dựa vào việc học người đi trước.
Về đào tạo, các cán bộ quản lý phần lớn tốt nghiệp ĐH Sư phạm. Trở thành quản lý, họ phải làm tất tần tật mọi thứ, từ quan hệ với địa phương, đến chỉ đạo kinh tế, sửa chữa, mua sắm…
Nhà giáo Nguyễn Thanh Sơn nói: “Những việc đó quả thật có lúc quá sức với cán bộ quản lý nếu chúng ta không cho anh em học hành đến nơi đến chốn”.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng tính chuyên nghiệp của cán bộ quản lý cần phải làm rõ bởi yếu tố này quyết định tới chất lượng của cơ sở giáo dục.
Quý Hiên (Tiền phong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)