Đã qua rồi cái thời sư phạm là ngành “hot”. Làm giáo viên thời buổi kinh tế thị trường là phải “chạy sô” mới đủ sống. Nhưng khổ nỗi chỉ có giáo viên trẻ mới đủ sức “bay sô”, chứ giáo viên già lấy đâu sức khỏe mà chạy nhiều nơi.
Tuy nhiên không phải giáo viên trẻ nào cũng có cơ hội để “chạy sô”. Chỉ có các giáo viên dạy toán, lý, hóa, Anh văn, văn, tin học mới dạy thêm được. Các thầy cô dạy những môn còn lại thì ngậm ngùi.
Đồng nghiệp của tôi luôn kháo nhau rằng, giáo viên cứ y như ca sĩ, “chạy sô” mệt đứ đừ. Ngẫm ra tôi thấy còn hơn cả ca sĩ, vì ít ra ca sĩ thì đi – về có kẻ đưa người đón, còn giáo viên hằng ngày phải chạy xe gắn máy vài chục cây số, dạy nhiều trường, ăn cơm bụi và chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện riêng tư. Cơm-áo-gạo-tiền đã đẩy giáo viên vào một hoàn cảnh nan giải: Bằng mọi giá phải xin được dạy thêm mới giữ vững ý chí yêu nghề. Và trường hợp của tôi là một ví dụ.
Là giáo viên dạy tin học, tôi ý thức được rằng môn mình dạy là môn phụ, khó mà có được nhiều tiết lên lớp. Nhưng cũng nhờ “khuyết điểm” đó đã giúp tôi xếp lịch dạy được nhiều trường. Ngoài dạy chính ở trường biên chế, tôi xin dạy thêm được nhiều nơi như trường dân lập, trường khuyết tật… Buổi tối, trong khi các giáo viên lớn tuổi quây quần bên gia đình dùng cơm, xem ti vi, trò chuyện thì giáo viên trẻ như chúng tôi lại phải “chạy sô”.
Theo nhiều giáo viên, chỉ những ai dạy môn chính (toán, lý, hóa…) mới có điều kiện “chạy sô”. Trong ảnh là tiết dạy toán bằng tiếng Anh tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1). Ảnh: ANh Khôi |
Thú thật được “chạy sô” là một hạnh phúc lớn lao đối với những giáo viên trẻ. Không phải ai cũng được dạy thêm, được xếp lịch theo như nguyện vọng của mình. Lúc đầu mới vào nghề, do chẳng quen biết ai nên mỗi tháng nhận lương mặt tôi bí xị vì thu nhập ít. Mẹ tôi an ủi, động viên nên tôi mới có tinh thần trụ vững cho đến ngày hôm nay. Rồi nhờ làm lâu năm, quen biết nhiều đồng nghiệp, họ giới thiệu trường này, trường kia cho tôi đi dạy. Có chỗ dạy thì mừng, nhưng mọi chuyện đều phải nhờ đến thầy hiệu phó. Thầy xếp thời khóa biểu, nếu trùng với những trường ngoài thì cũng như không. Thế là tôi phải trình bày hoàn cảnh, năn nỉ mãi thầy mới xếp lịch lại. Bởi lên lịch thời khóa biểu đâu phải dễ, mà vì tất cả các giáo viên chứ không phải chủ nghĩa cá nhân. Cũng may thầy làm ổn thỏa.
“Bay sô” ở nhiều trường cũng có những niềm vui, nỗi buồn. Buồn vì nhiều trường dân lập, hiệu trưởng chưa chú trọng đến môn tin học nên học sinh học theo kiểu đối phó. Đa phần các em giỏi lướt web, giỏi chơi Facebook, chat Yahoo Messenger, gửi email, nhưng về cơ bản Microsoft Word, Excel, PowerPoint thì tù mù thấy rõ. Vì vậy tôi phải cực công dạy lại từ đầu, tập cho các em quen dần với việc đánh văn bản tiếng Việt có dấu, sử dụng các hàm trong Excel để tính toán… Vui và nghiêm túc nhất là dạy ở những trung tâm tin học. Đa phần học viên đều lớn tuổi, mới tiếp cận IT (Information Technology) nên rất lóng ngóng. Dù vậy họ học đàng hoàng, chịu khó xây dựng bài và thường xuyên hỏi bài để hiểu cặn kẽ hơn. Đăc biệt là khi tôi dạy ở trường khuyết tật. Điều đọng lại trong tôi là sự thương cảm, thán phục. Không giống như những học sinh bình thường ngồi vào máy là trò chuyện đùa giỡn gây mất trật tự, các em khuyết tật rất siêng năng, luôn chịu nghe thầy giảng bài và tuyệt đối không ồn ào trong phòng. Nhiều lần nhìn những cùi chỏ, bàn tay mất ngón của các em lướt trên bàn phím khiến tôi không khỏi rùng mình. Đúng là có tật thì có tài.
Với đồng lương giáo viên ít ỏi như hiện nay (thấp hơn cả lương công nhân), được “chạy sô” là một điều hạnh phúc. Bởi ngoài chuyện tăng thêm thu nhập còn được dịp trải nghiệm mình ở những môi trường khác nhau. Và càng hạnh phúc hơn khi được truyền đạt kiến thức sư phạm, kiến thức chuyên môn cho nhiều học sinh, kể cả học viên ở nhiều trung tâm.
Đặng Trung Thành
Bình luận (0)