Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo viên cho trường nghề: Thiếu hàng chục ngàn người… “đào” đâu ra?

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường KTNV Nam Sài Gòn giới thiệu thiết bị dạy nghề

Nếu không được đào tạo, lao động Việt Nam sẽ mất sức cạnh tranh và trở thành gánh nặng cho quốc gia. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia không những trong nước mà cả các chuyên gia nước ngoài. Hệ quả của nó còn là cánh cửa xuất khẩu lao động cũng dần trở nên hẹp lại. Trong khi đó mục tiêu 50% lao động được qua đào tạo vào năm 2010 của Chính phủ khó có thể đạt được khi giáo viên dạy nghề hiện nay đang thiếu trầm trọng.
Đào tạo vừa nhanh, vừa nhiều, vừa rẻ!?
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, Việt Nam có khoảng 48 triệu người trong độ tuổi lao động, trong số đó chỉ có khoảng trên dưới 30% được đào tạo, số còn lại chưa được đào tạo để trở thành lao động có kỹ năng cũng lên đến con số hàng chục triệu. Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2010 Việt Nam phải có 50% lao động được đào tạo nghề. Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện nay chưa có số liệu thống kê số lượng lao động đã đào tạo được bao nhiêu. Trước câu hỏi đến năm 2010, có đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra không? Ông Vinh nói: hiện nay chưa thể nói trước đạt hay không đạt. Thủ tướng đặt ra mục tiêu này không phải chỉ có ngành giáo dục, ngành LĐ – TB&XH mà tất cả các ngành, các địa phương cùng chung tay góp sức và phấn đấu. “Vậy hiện nay đã có bao nhiêu tỉnh có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực?” – ông Vinh đặt câu hỏi ngược lại. Cũng theo ông, thì số tỉnh đã làm được điều đó đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đây là thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. “Nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức của xã hội, nguồn lực tài chính, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều so với nhu cầu và có cả nguyên nhân về cơ cấu hệ thống giáo dục, sự bất cập trong tổ chức và quản lý nhà nước về công tác này” – ông Vinh lý giải. Do điều kiện nguồn lực hạn chế, khả năng mở rộng quy mô để tiếp nhận nhiều người vào học TCCN và dạy nghề là khó khăn cơ bản nhất. Ông cũng khẳng định: không thể đào tạo vừa nhanh, vừa nhiều, vừa rẻ trong điều kiện suất đầu tư trên đầu học sinh rất thấp như hiện nay. Dân số Việt Nam hiện đang là dân số vàng, nhưng nếu không được qua đào tạo cẩn thận thì từ điểm mạnh sẽ trở thành gánh nặng, mất vị thế cạnh tranh. Không những thế, giá trị gia tăng của người được xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng rất thấp. Do không được đào tạo kỹ năng theo tiêu chuẩn của quốc tế, trình độ ngay trong nước cũng không thống nhất. “Nếu cứ xuất khẩu lao động như thế này thì rất rẻ mạt. Xuất khẩu hiện chỉ để xóa đói giảm nghèo. Còn để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì xuất khẩu lao động phải khác”- ông Vinh chỉ rõ. Trong khi đó, sự chuyển biến trong đào tạo của các trường vẫn rất chậm. Các trường vẫn đào tạo theo “vốn tự có”. Nguyên nhân nữa một phần là do sự chồng chéo trong công tác quản lý dẫn đến sự phân tán quản lý và phân tán nguồn lực đầu tư. Hai cơ quan quản lý sẽ chỉ đạo và sẽ làm những công việc tương tự nhau giống như 2 Bộ GD-ĐT, như vậy rất lãng phí ngân sách và tiền thuế của dân.
Khủng hoảng thiếu giáo viên
Thiếu giáo viên là thách thức lớn nhất đối với giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam trong hiện tại. 10 năm qua, dạy nghề đã có bước phát triển mới về mạng lưới và quy mô đưa tổng số trường trung cấp (TC) nghề và CĐ nghề (thuộc tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ – TB&XH) lên đến 284 trường (80 trường CĐ nghề). Quy mô dạy nghề ngắn hạn tăng nhanh(từ 2001-2008 khoảng trên 8 triệu lượt người được đào tạo nghề ngắn hạn). Đối với dạy nghề dài hạn trước đây và TC nghề, CĐ nghề hiện nay thì quy mô đào tạo còn rất khiêm tốn, trong 10 năm tăng 3.85 lần. Năm 2008 chỉ tiêu tuyển mới vào CĐ nghề khoảng 60.000, vào TC nghề khoảng 310.000. Đối với TCCN (thuộc Bộ GD-ĐT) quy mô tăng lên 3.36 lần đưa quy mô đào tạo năm học 2007-2008 lên đến trên 614.516 người. Trong khi đó, theo con số của Bộ GD-ĐT, số giáo viên TCCN năm học vừa qua khoảng 14.540 giáo viên và với quy mô đào tạo trong các trường như trên, tỷ lệ học sinh trên một giáo viên vào khoảng 23.5. Dự báo năm học 2008-2009 sẽ tuyển mới khoảng 336.000 học sinh TCCN, trong đó có khoảng 222.000 học sinh (66%) vào học các trường TCCN. Tính bình quân, quy mô học sinh trong trường TCCN sẽ vào khoảng trên 390.000, tức tỷ lệ học sinh trên một giáo viên vào khoảng xấp xỉ 27 đối với các trường TCCN.
Nếu đảm bảo tỷ lệ 25 học sinh trên một giáo viên TCCN, số giáo viên trong các trường TCCN sẽ cần khoảng 15.600 giáo viên, tức thiếu khoảng trên 1.000 giáo viên, chưa kể đến số giáo viên TCCN nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu mở rộng hệ tuyển sinh sau THCS và học sinh THPT có năng lực học tập yếu (không vào CĐ và ĐH) tăng thêm đến 100.000 học sinh một năm thì số giáo viên TCCN sẽ thiếu rất lớn trên 5.000 giáo viên TCCN mỗi năm để đạt được tỷ lệ 25HS/1GV.
Đối với dạy nghề thì con số giáo viên thiếu còn lớn hơn rất nhiều. Số liệu của Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ – TB&XH cho thấy hiện số giáo viên năm 2007 dạy nghề có 8.500 giáo viên và khoảng 2000 giáo viên ở trong các trung tâm dạy nghề. Ước tính của Tổng cục dạy nghề thì mỗi năm, do quy mô học sinh được mở rộng nên nhu cầu về giáo viên trung bình tăng lên từ 5.000 – 7.000 giáo viên/năm, số lượng giáo viên cần có cho dạy nghề vào năm 2014 sẽ gấp gần 6 lần số giáo viên có thực tế năm 2007 (là 62.832 người). Tính trung bình cả dạy nghề và TCCN, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 10.000 giáo viên. Con số này theo ông Vinh là không tưởng.n
Nghiêm Huê
Năm 2008, tổng quy mô học sinh nghề đã được quy đổi là 660.662 học sinh (1 học sinh trung cấp, CĐ nghề dài hạn = 4 học sinh nghề sơ cấp từ ba tháng trở lên và = 5 học sinh học nghề sơ cấp dưới 3 tháng). Nhu cầu về giáo viên dạy nghề là 26.426, trong khi đó, thực tế dạy nghề mới có tổng khoảng 10.500 giáo viên, thiếu gần 16.000 giáo viên.
 

Bình luận (0)