- 1 Giáo viên chủ nhiệm khuyên “3 không” khi đặt nguyện vọng tuyển sinh 10
Khi đặt nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, điểm số các bài kiểm tra trên lớp chỉ nên được xem là kênh tham khảo, không phải là căn cứ chính xác nhất. Đặt nguyện vọng cần bám theo nguyên tắc để tăng khả năng trúng tuyển vào trường THPT công lập.

“3 không” khi đặt nguyện vọng
Khi chọn nguyện vọng trường THPT trong kỳ thi tuyển sinh 10, phụ huynh và học sinh lớp 9 cần lưu ý rằng điểm số trên lớp chưa thể hiện đúng được năng lực của học sinh. Giả sử điểm kiểm tra trên lớp ở 3 môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ, học sinh có thể đạt 8-9 điểm nhưng nếu so với mức độ kiến thức của đề thi tuyển sinh thì lại rất khập khiễng. Vì điểm kiểm tra trên lớp chỉ là điểm ở một thời điểm nhất định, còn đề thi tuyển sinh lại đánh giá học sinh cả một quá trình học tập bậc THCS, kiến thức trải dài ở bậc THCS, chủ yếu tập trung vào lớp 9. Quan điểm lấy điểm kiểm tra trên lớp ở 3 môn thi tuyển sinh, sau đó trừ đi 2-3 điểm thì ra điểm thi tuyển sinh 10 là không có cơ sở.
Một lưu ý nữa khi đặt nguyện vọng đó là học sinh cần tuyệt đối tránh tình trạng đặt nguyện vọng theo phong trào, thấy bạn bè đặt nguyện vọng vào trường A thì cũng đổ xô đặt vào trường đó. Nguyện vọng cần được tính toán phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện gia đình của từng học sinh.
Những năm trước, có trường hợp học sinh dù sức học thuộc loại giỏi trong lớp nhưng lại đặt những nguyện vọng không phù hợp với năng lực của mình. Phụ huynh thì kỳ vọng vào con, muốn con thử sức. Dẫn đến con rớt cả 3 nguyện vọng. Vì thế, khi đặt nguyện vọng, học sinh và phụ huynh cần hết sức cân nhắc, tính toán. Điều quan trọng là cần biết được sức học, năng lực của con mình tới đâu để đặt nguyện vọng trường THPT phù hợp nhất.

Khi đặt nguyện vọng, tuyệt đối cần tránh đặt nguyện vọng “dự phòng”, nguyện vọng “lót”, tức là nguyện vọng mà có đậu đi nữa cũng không học. Vài năm nay, tình trạng học sinh đặt nguyện vọng quá xa nơi cư trú đã ít xảy ra nhưng vẫn còn tình trạng học sinh đặt nguyện vọng “dự phòng” ở nguyện vọng 3, khi đậu thì các em không học. Điều này sẽ rất đáng tiếc vì mỗi nguyện vọng đều là cơ hội để học sinh bước vào trường THPT công lập. Do đó, phụ huynh và học sinh cần nghiên cứu kỹ càng, làm sao tận dụng được cả 3 nguyện vọng.
Nguyên tắc khi đặt nguyện vọng
Khi đặt nguyện vọng cần phải theo một trật tự, nguyên tắc nhất định mới có thể tận dụng được cả 3 nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng 1 luôn được xếp là ngôi trường THPT mà học sinh yêu thích, với điểm số cao nhất để các em có sự nỗ lực vươn tới. Giữa các nguyện vọng phải có sự chênh nhau từ 2-3 điểm.
Một lưu ý khi đặt nguyện vọng đó là học sinh cần tuyệt đối tránh tình trạng đặt nguyện vọng theo phong trào, thấy bạn bè đặt nguyện vọng vào trường A thì cũng đổ xô đặt vào trường đó. Nguyện vọng cần được tính toán phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện gia đình của từng học sinh. |
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phụ huynh cần là người đồng hành, theo sát con, gỡ khó và ổn định tâm lý cho con. Phụ huynh cần quan tâm đảm bảo sức khỏe cho con, bên cạnh việc học cần cho con thời gian nghỉ ngơi khoa học. Trong kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của chương trình mới, lại là kỳ thi có sức cạnh tranh cao, cả phụ huynh và học sinh sẽ đều rất áp lực, nhiều phụ huynh sẽ tìm cho con những chỗ học thêm với mong muốn nâng cao kiến thức cho con. Song đôi khi chính điều này lại vô tình đặt nặng thêm áp lực của kỳ thi lên học sinh.
Lời khuyên là phụ huynh cần phải bình tĩnh, thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để đánh giá được đúng nhất năng lực học tập của con ở 3 môn thi tuyển sinh, từ đó hỗ trợ con đặt nguyện vọng phù hợp. Để biết sức học của con thì không nên chỉ căn cứ vào điểm tổng kết, điểm bài kiểm tra trên lớp mà cần phải lắng nghe ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn thi tuyển sinh.
Với học sinh, các em nên trao đổi nhiều với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để có thể đăng ký được nguyện vọng phù hợp. Đồng thời hệ thống lại kiến thức để biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân ở từng môn thi tuyển sinh để có kế hoạch ôn tập, phụ đạo hiệu quả.
Với riêng môn toán, học sinh cần chú trọng rèn kỹ năng đọc đề, hiểu đề. Đa số học sinh còn rất yếu ở kỹ năng này, đọc đề chưa hiểu đề. Để cải thiện được kỹ năng này, ngay từ bây giờ, trên lớp các em phải rèn thường xuyên kỹ năng này. Đứng trước mỗi đề toán thầy cô cho, các em cần đọc và phân tích, tìm ra những từ khóa của đề để áp dụng công thức giải phù hợp.
Nguyễn Thành Đạt
(giáo viên chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS
Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh)
Bình luận (0)