Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Giáo viên chưa làm tròn công tác hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Cần Thơ tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức mới đây

Học sinh THPT mong muốn được giáo viên bộ môn hướng nghiệp, tuy nhiên nhiều giáo viên lại chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong hoạt động quan trọng này.

Thực tế trên được đề cập tại hội thảo “Nâng cao năng lực hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên bộ môn ở trường THPT” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vừa qua.

Năng lực hướng nghiệp chưa cao

Theo ThS. Trần Chí Vĩnh Long và ThS. Nguyễn Thị Diễm My (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), một khảo sát mà họ tiến hành trên 352 giáo viên bộ môn được lựa chọn ngẫu nhiên ở 5 trường THPT tại TP.HCM (gồm: THPT Quang Trung, THPT An Nhơn Tây, THPT Nguyễn Hiền, THPT Trần Quang Khải và THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho thấy có tới 72% tự đánh giá năng lực hướng nghiệp của mình chỉ ở mức độ trung bình trở xuống.

Theo trình tự sắp xếp của chính giáo viên bộ môn tham gia khảo sát, trách nhiệm cao nhất trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT thuộc về giáo viên chủ nhiệm, kế đến là phụ huynh rồi mới đến giáo viên bộ môn (đứng thứ 3). Đặc biệt, có hơn 30% giáo viên bộ môn trong khảo sát cho rằng mình hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong hướng nghiệp cho học sinh.

Trong khi đó, ông Lê Duy Hùng  – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – sau nhiều năm gắn bó với học sinh một trường THPT dân lập đã chỉ ra rằng giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn là hai đối tượng mà học sinh mong muốn được hướng nghiệp nhất. Dù thế, vấn đề thực hiện lồng ghép hướng nghiệp trong giảng dạy đối với giáo viên bộ môn cũng gặp một số khó khăn. Bởi có bộ môn mỗi tuần giáo viên chỉ dạy 1 tiết, hàm lượng kiến thức đã “ngốn” hết thời gian, không bố trí được nội dung hướng nghiệp. Theo ông Hùng, để giáo viên bộ môn thực hiện hướng nghiệp hiệu quả, rất cần có chính sách khuyến khích phù hợp và sự hỗ trợ của người làm quản lý trong trường.

Tạo động lực cho giáo viên hướng nghiệp

TS. Lê Thị Thanh Mai – Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng, giáo viên bộ môn thường gần gũi nên có những thuận lợi đáng kể trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, cái khó là thế giới nghề nghiệp rất rộng lớn, giáo viên bộ môn không thể “phủ” hết.

Bà Mai đề xuất có một chương trình đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hẳn hoi cho người làm công tác hướng nghiệp trong trường học (tương tự như chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) để tạo thêm động lực cho họ. Bên cạnh đó, hằng năm cần tổ chức tập huấn quy tụ những người làm công tác hướng nghiệp đến từ các trường THPT, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, tổ chức hỗ trợ sinh viên của các trường ĐH… để cập nhật kiến thức và định hướng những hoạt động hướng nghiệp sắp tới.

Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhìn nhận, theo kỳ vọng, học sinh sau lớp 9 đã biết được nhóm ngành nghề nào phù hợp bản thân. Nhưng hiện nay hệ thống trường phổ thông trên cả nước thực hiện chưa hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp để giúp học sinh đạt được kỳ vọng này…

Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cũng nhấn mạnh, trong nâng cao năng lực hướng nghiệp, vấn đề nhận thức của giáo viên bộ môn rất quan trọng. Cần làm sao để lực lượng này nhận thức được việc hướng nghiệp là trách nhiệm của mọi giáo viên bộ môn. Và cái khó hơn nữa là tuy mọi giáo viên, thành viên trong trường đều có trách nhiệm hướng nghiệp cho học sinh nhưng hiện chưa có mô hình trong đó phân rõ trách nhiệm cụ thể với từng hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hay tổ tư vấn tâm lý… để phối hợp hoạt động nhịp nhàng. Vì vậy, ông Thanh cho rằng cần xây dựng mô hình trong đó phân công trách nhiệm cụ thể từng bộ phận, mỗi bộ phận có vai trò và trách nhiệm đóng góp tới đâu, đóng góp như thế nào để hướng đến hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đặt vấn đề tạo động lực để giáo viên thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, trong đó có cả động lực bên trong lẫn bên ngoài. “Thông thường một trường hay được ca ngợi và đánh giá thông qua tiêu chí 100% đậu ĐH, bao nhiêu học sinh giỏi… Khi đó, động lực của hiệu trưởng cũng phải theo giá trị mà xã hội đang định cho trường mình. Như vậy, không loại trừ được trường hợp giáo viên hướng học sinh đăng ký những ngành chỉ để đậu ĐH. Trong khi nếu một trường được đánh giá công nhận là hướng nghiệp tốt thì sẽ tự động điều chỉnh động lực phát triển” – ông Thanh nói.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)